Công bố 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023

Tối 13/12, Lễ Công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD - VCCI) tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.
cong-bo-100-doanh-nghiep-ben-vung-tai-viet-nam-nam-2023-01-1702475316.jpg
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình CSI 2023 phát biểu tại lễ công bố.

Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) được VCCI chủ trì tổ chức theo sự chỉ đạo của Chính phủ, với sự phối hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đặc biệt có thêm sự tham gia của Ban Kinh tế Trung ương trong Ban chỉ đạo Chương trình từ năm nay. Điều này thể hiện uy tín và mức độ lan tỏa của Chương trình CSI.

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình CSI 2023 chia sẻ: “Mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bền vững đã được VCCI bền bỉ theo đuổi từ hai thập kỷ. Với sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, VCCI đã tiên phong xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo, tư vấn chia sẻ kiến thức, cổ vũ, động viên, hỗ trợ cộng đồng DN thực hành kinh doanh trách nhiệm, bền vững".

Cũng theo Chủ tịch VCCI, sự ổn định và tăng trưởng bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp được vinh danh trong Lễ công bố CSI 2023 là minh chứng cho sự chọn lựa đúng đắn khi họ đã dấn thân, tiên phong áp dụng các tiêu chí bền vững trên cả 3 phương diện môi trường, xã hội, quản trị (ESG) cho chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp. “Chỉ có sự cam kết và hành động theo chiến lược bền vững sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức để phát triển, thịnh vượng, kiến tạo hạnh phúc bền lâu”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

cong-bo-100-doanh-nghiep-ben-vung-tai-viet-nam-nam-2023-02-1702475316.jpg
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại lễ công bố.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sáng kiến của VCCI phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình CSI trong suốt 8 năm qua. Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng chia sẻ Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được Bộ Chính trị ban hành vào tháng 10 vừa qua đã nhấn mạnh, quan tâm hơn đến các tiêu chí đánh giá sự lớn mạnh về chất lượng của đội ngũ doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường. Đây chính là các tiêu chí thể hiện sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, được cụ thể hóa trong Bộ chỉ số CSI mà VCCI xây dựng.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững, gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Đồng thời, cần phát huy hơn nữa tính chủ động, năng lực sáng tạo, linh hoạt, hợp tác tạo giá trị gia tăng cho các bên; cũng như cần chủ động bám sát, tuân thủ các đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, từ đó tìm ra những hướng đi mới, cơ hội mới, đón đầu và nắm bắt kịp thời xu thế, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.

cong-bo-100-doanh-nghiep-ben-vung-tai-viet-nam-nam-2023-03-1702475316.jpg
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI trao chứng nhận cho các doanh nghiệp.

Cũng tại Lễ công bố, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình CSI 2023 một lần nữa nhấn mạnh chuyển đổi tư duy kinh doanh sang kinh doanh bền vững là điều doanh nghiệp cần phải làm vì chính lợi ích của mình. Ông Vinh khuyến khích các doanh nghiệp trong Top 100 doanh nghiệp bền vững 2023 cùng lan tỏa, chia sẻ Bộ chỉ số CSI 2023 đến các doanh nghiệp, đối tác trong chuỗi giá trị, để cùng xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp “bền” và “vững”, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, củng cố vị thế của mình tốt hơn trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp lớn và từ đó phát triển lớn mạnh, bền vững hơn.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết trong thời gian tới VCCI sẽ phối hợp với các cơ quan trong Ban chỉ đạo Chương trình để tiếp tục nâng cấp Bộ chỉ số trở nên đương đại và cập nhật hơn, hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp; cũng như làm việc với các Hội đồng tư vấn kinh doanh trong ASEAN để lan tỏa Bộ chỉ số vươn tầm quốc tế và đặc biệt sau khi đã tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của doanh nghiệp, VCCI sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để đưa Bộ chỉ số CSI thành một trong những tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc.

Đại diện cho các doanh nghiệp được vinh danh tại lễ công bố, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng chủ tịch VBCSD cho biết, trong những năm gần đây, đã có thêm ngày càng nhiều doanh nghiệp được lọt danh sách CSI 10, với rất nhiều thực hành tốt về phát triển bền vững. Như vậy, có thể thấy cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp rất tích cực cho sự tăng trưởng xanh của đất nước. "Việc được bình chọn trong danh sách CSI 100 là một sự ghi nhận đáng tự hào đối với những nỗ lực không ngừng của chúng tôi trong việc thực hiện cam kết đầu tư lâu dài và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Chúng tôi tự hào khi luôn tiên phong và nỗ lực vì một tương lai xanh và bền vững hơn", ông Binu Jacob cho biết.

Chương trình năm nay có những đổi mới có thể kể đến như đã thực hiện cải tiến căn bản Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) – công cụ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình; cải tiến quy trình đánh giá, thẩm định theo hướng khoa học, minh bạch, chặt chẽ hơn; mở rộng sự tham gia của đại diện các cơ quan báo chí trong Hội đồng đánh giá doanh nghiệp bền vững. Những điểm mới này đã góp phần khẳng định Top100 Doanh nghiệp được vinh danh tại Lễ công bố CSI 2023 đã được đánh giá, thẩm định, cân nhắc rất kỹ càng, minh bạch.

Từ gần 500 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia – trong đó có tới gần 25% là các doanh nghiệp mới tham gia lần đầu tiên, Ban Thư ký Chương trình đã lựa chọn 146 hồ sơ đạt yêu cầu để Hội đồng đánh giá chấm điểm độc lập trên phần mềm trực tuyến. Đồng thời, tiến hành quy trình thẩm định chặt chẽ, minh bạch trước khi trình Ban Chỉ đạo quyết định 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu nhất để biểu dương tại Lễ công bố. Trong đó, ở Top 10 các doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ và sản xuất, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 40%; doanh nghiệp Việt Nam chiếm 60%, trong đó có 25% là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối.

Ngoài việc biểu dương hạng mục chính Doanh nghiệp bền vững, Chương trình cũng đánh giá, lựa chọn ra các doanh nghiệp tiên phong, thực hiện tốt trong hai hạng mục chuyên đề: Thực hiện kinh tế tuần hoàn, cắt giảm phát thải các-bon và xây dựng giá trị đa dạng, công bằng.

Bước sang năm thứ 8, Bộ chỉ số CSI 2023 được xây dựng nhằm đánh giá mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp trên các khía cạnh: Hiệu quả kinh kinh tế, quản trị doanh nghiệp, môi trường, và lao động, xã hội. Trong 130 chỉ số của CSI 2023, có tới 63% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, các chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững chiếm 37%. Điều này minh chứng cho việc Bộ chỉ số CSI rất thân thuộc, dễ áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, ở mọi quy mô và loại hình. Đồng thời cho thấy chỉ cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật thì doanh nghiệp dù quy mô vừa và nhỏ, cũng có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững nói chung và dễ dàng được đánh giá cao trong Chương trình CSI nói riêng.

Được VCCI chủ trì xây dựng, phát triển từ năm 2014 và ra mắt vào năm 2016, Bộ chỉ số CSI cũng là bộ chỉ số đầu tiên tại Việt Nam hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững. Khi áp dụng Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp cần rà soát lại hoạt động phát triển bền vững của mình, tự tổng hợp thông tin theo hướng dẫn, từ đó có thể tự đánh giá tổng quát “sức khỏe” của mình, cũng như các tác động tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp, qua đó xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh, đồng thời làm tốt hơn công tác lập và báo cáo thông tin, giúp thu hút đầu tư hiệu quả hơn, bền vững hơn.