Chuyển đổi số trong phòng cháy chữa cháy

Đinh Thảo
Trong một xã hội số của CMCN 4.0, việc chuyển đổi số là đương nhiên, tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tìm cho mình các giải pháp tổng thể và hướng đi đúng để giải quyết các vấn đề của mình tốt nhất, phù hợp với xu hướng công nghệ chung.

Hiện nay, công nghệ thực tế ảo (VR) đã xuất hiện để người dân trải nghiệm. Trong chương trình “Tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH”, diễn ra tại Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), quận Thanh Xuân, Hà Nội, Hiệp hội Giáo dục An toàn Hàn Quốc đã giới thiệu công nghệ VR đến người dân.

anh-mo-hinh-vr-tai-cuc-canh-sat-pccc-va-cnch-1701847825.jpg
Mô hình VR tại Cục Cảnh sát PCCC và CNCH

Toàn bộ thiết bị được thiết kế trong một căn phòng rộng khoảng 50 mét vuông. Tất cả tình huống cháy nổ được giả lập thành một môi trường 3D trên máy tính. Mục đích chính là mang lại cho người xem những trải nghiệm thực tế nhất - như đang ở chính trong không gian đó. Công nghệ VR được giới thiệu trong sự kiện này do Hiệp hội Giáo dục An toàn Hàn Quốc sản xuất.

Ông Yong Man Lee, đại diện Hiệp hội Giáo dục An toàn Hàn Quốc và một số kỹ thuật viên trực tiếp hướng dẫn người dân thực hành các kỹ năng phòng cháy bằng công nghệ VR. Do không thành thạo tiếng Việt nhưng dưới sự hỗ trợ của phiên dịch viên, ông Yong Man Lee đã truyền tải được những thông tin quan trọng về thiết bị để người dân hiểu rõ vai trò của buổi tập huấn và hào hứng tham gia thực hành chữa cháy, CNCH.

Ông Yong Man Lee tâm huyết giới thiệu công nghệ mới này tại Việt Nam với mong muốn: “Thiết bị này rất đa dạng, có thể thực hành ở rất nhiều kỹ năng, đó là hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, cứu hỏa bằng bình chữa cháy với những mô hình khác nhau. Những kỹ thuật này đơn vị chúng tôi phát triển và thật vui khi nó đã có mặt tại Việt Nam. Tôi mong muốn sẽ có nhiều người biết đến để trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết”.

anh-nguoi-dan-thuc-hanh-cac-ky-nang-cnch-1701847825.jpg
Người dân thực hành các kỹ năng CNCH

Hiện nay công tác đào tạo, huấn luyện chữa cháy và CNCH theo phương pháp truyền thống vẫn tạo ra hiệu quả tích cực nhưng tồn tại một số nhược điểm như: Người học sẽ tiếp thu kiến thức theo cách thụ động, thiên về các kiến thức lý thuyết; ít có điều kiện được thực hành, chủ động tìm hiểu, khó áp dụng trong thực tế; tài liệu, video, hình ảnh minh họa không thể mô tả hết nội dung bài giảng muốn truyền tải. Mặt khác, việc tạo dựng các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn thực hiện trong môi trường thực tế không phải chuyện dễ dàng, phụ thuộc vào thời tiết, thời gian, địa điểm, chi phí... Trong khi đó, công nghệ VR tạo nên môi trường tập luyện giống như môi trường thực tế, nhưng nội dung phong phú hơn, tình huống đa dạng hơn và có thể thực hành nhiều lần, dễ dàng tiếp cận. Vì vậy, cơ quan chức năng đang hướng đến kết hợp cách dạy truyền thống với ứng dụng công nghệ VR trong huấn luyện chữa cháy, CNCH.

Trong những buổi tập huấn không thể thiếu hướng dẫn viên. Chị Nguyễn Hải Yến đã được Hiệp hội Giáo dục An toàn Hàn Quốc và Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đào tạo về công nghệ VR. Đến nay, chị đã nắm rõ các kỹ năng cơ bản về chữa cháy và CNCH để truyền đạt cho người dân. Những người tham gia thực hành kỹ thuật VR được chị Yến hướng dẫn kỹ cách hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân.

“Ép tim ngoài lồng ngực, phòng cháy chữa cháy này mình hoàn toàn thực hiện trên thực tế ảo. Với kỹ thuật VR, nhiều người có thể thử nhiều lần và thực hành trên nhiều hiện trường khác nhau. Qua đây, mọi người cũng phải có ý thức PCCC, trang bị những kiến thức cơ bản hoặc đơn giản là khi cháy nổ xảy ra thì biết gọi đến những số đường dây nóng để cấp cứu” – chị Yến chia sẻ.

anh-may-bao-cac-thong-so-ky-thuat-khi-thuc-hanh-ep-tim-ngoai-long-nguc-1701847825.jpg
Máy báo các thông số kỹ thuật khi thực hành ép tim ngoài lồng ngực

Nhiều người nghĩ rằng, công nghệ rất phức tạp, khó nắm bắt nhưng với công nghệ VR trong tập huấn chữa cháy, CNCH lại rất dễ thực hiện. Đối với kỹ năng ép tim ngoài lồng ngực trên công nghệ VR, người dân vẫn thực hành trên hình nộm như phương pháp đào tạo truyền thống. Phương châm là ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép. Đáng chú ý là các thông số về kỹ thuật sẽ hiển thị trên máy để đánh giá người thực hành có thực hiện đúng kỹ thuật hay không.

Rất nhiều vụ cháy xảy ra trong thời gian qua đã cho chúng ta bài học sâu sắc, trong đó có những bài học xương máu để sau này không mắc phải. Qua buổi tập huấn chữa cháy và CNCN bằng công nghệ VR, Chủ tịch Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam Nguyễn Đỗ Tùng Cương mong muốn người dân sẽ thành thạo các kỹ năng chữa cháy, CNCH và nâng cao ý thức PCCC.

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương khuyến cáo: “Từng người dân, từng hộ gia đình cần tìm hiểu về các thiết bị PCCC, thoát nạn, trang bị cho gia đình mình. Ví dụ là các thiết bị báo cháy tự động, phương tiện chữa cháy, thoát nạn, mở lối thoát nạn tại mỗi cơ sở, mỗi nhà riêng”.

Trong một xã hội số của Cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển đổi số là đương nhiên, tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tìm cho mình các giải pháp tổng thể và hướng đi đúng để giải quyết các vấn đề tốt nhất, phù hợp với xu hướng công nghệ chung. Trong đó, Công nghệ thực tế ảo (VR) đã được ứng dựng trong công tác tập huấn PCCC tại nước ta nhằm tạo bước đột phá mới cho công tác huấn luyện./.

Nguyễn Hà