Như Báo Quân đội nhân dân điện tử đã đưa tin, sáng 27-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát năm 2023.
Tập trung những vấn đề lớn, quan trọng
Sau khi nghe Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc hội nghị; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo; xem phóng sự tài liệu về công tác giám sát và nghe 9 ý kiến tham luận của các đại biểu dự hội nghị, phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đặt ra.
Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác giám sát tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tăng cường thông qua các hoạt động xem xét báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn... cùng với kết quả hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội với phạm vi giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao gồm hầu hết các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề nghị các cơ quan lưu ý, tập trung khắc phục trong thời gian tới, đáp ứng tốt hơn sự mong mỏi của cử tri, nhân dân cả nước.
Khâu then chốt trong đổi mới hoạt động của Quốc hội
Trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đồng thời nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát của Quốc hội; về mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát và chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động giám sát với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập; gắn kết chặt chẽ, bảo đảm kết nối và kế thừa hiệu quả giữa kết quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội tiến hành với kết quả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát.
Tăng cường giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo hướng: Triển khai các hoạt động giám sát (chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri...), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các ban chỉ đạo cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát của Đảng và Nhà nước, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Căn cứ tình hình thực tế, nghiên cứu lồng ghép nội dung về phòng, chống tiêu cực trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, hằng năm, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải báo cáo Quốc hội về nội dung này. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Tại các kỳ họp cuối năm, trường hợp cần thiết, có thể bố trí để Quốc hội xem xét báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cùng với xem xét báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.
“Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nói.