Chủ tịch nước làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền

Tiếp tục chương trình làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với các cơ quan liên quan để lắng nghe ý kiến góp ý vào các nội dung Đề án, chiều 15/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì buổi làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam và Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
nlntv-ctn-435-1657930520.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: THỐNG NHẤT/TTXVN)

Theo báo cáo tại buổi làm việc, Tổ Biên tập đã tổng hợp và đưa vào dự thảo Đề án các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trên cơ sở các chuyên đề của các cơ quan ở Trung ương tham gia xây dựng Đề án, ý kiến góp ý của các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, nhà khoa học.

Sau khi các đại biểu dự buổi làm việc nêu ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Đề án, phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các luật sư. Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.

Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp tích cực của Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong vai trò tham gia xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong lĩnh vực tư pháp, chủ động đề ra những giải pháp đổi mới đạt kết quả quan trọng trên nhiều mặt công tác, được nhân dân đánh giá cao. Hai cơ quan và đội ngũ luật sư trong thời gian qua đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận pháp luật và công lý được tốt hơn.

Trong quá trình xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, tích cực tham gia ý kiến vào dự thảo các chuyên đề, nhất là Chuyên đề “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” mà Ban Nội chính Trung ương thực hiện; cử đại biểu tham dự và phát biểu tại các hội thảo quốc gia, tọa đàm chuyên sâu. Tại buổi làm việc này, các đại biểu nêu nhiều ý kiến tâm huyết, có cơ sở khoa học, trong đó cả những nội dung mới đóng góp cho Dự thảo Đề án.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, nội dung quan trọng xuyên suốt của Đề án là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân; phát huy vai trò của các cơ quan bổ trợ tư pháp. Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương lớn và đúng đắn về quyền con người; xác định quyền con người là giá trị nhân văn, tiến bộ, có tính phổ quát của toàn nhân loại, nhất là kể từ khi Đổi mới đến nay. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 quy định bảo vệ quyền con người là nhiệm vụ hàng đầu trong các thiết chế bộ máy nhà nước và nhiệm vụ này tiếp tục làm rõ hơn trong Đề án. Cùng với đó là khẳng định vai trò của luật sư trong tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là trong hoạt động tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng. Đặc biệt, chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp được triển khai nghiêm túc và có nhiều kết quả tích cực, hệ thống trợ giúp pháp lý được củng cố, kiện toàn và đổi mới; tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp và phân bố hợp lý hơn gắn với địa bàn dân cư… Đây là những hoạt động rất cần thiết trong quá trình phát triển đất nước.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục đóng góp nhiều hơn trong công cuộc cải cách, đổi mới đất nước.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cũng nêu một số nội dung về hoàn thiện các thiết chế nhà nước nói chung, thiết chế trong lĩnh vực tư pháp nói riêng, đồng thời yêu cầu Tổ Biên tập xây dựng Đề án tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Đề án những ý kiến thống nhất cao; tiếp tục nghiên cứu các nội dung còn có ý kiến khác nhau để báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp sắp tới.