Chặng đường đến chiến thắng - Bài 4: Cam go quá trình thực thi hiệp định (Tiếp theo và hết)

Đinh Thảo
Theo Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, Ban Liên hợp quân sự 4 bên hoạt động trong 60 ngày, kể từ ngày 28-1-1973.

Ban Liên hợp quân sự có nhiệm vụ phối hợp hành động của các bên trong việc thực hiện những điều khoản về các vấn đề quân sự của Hiệp định Paris, trong đó quan trọng nhất là việc rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, trao trả nhân viên quân sự và nhân viên dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh và ngừng bắn đi đến chấm dứt chiến sự ở miền Nam.

Cuộc rút quân tạo cú sốc tâm lý

Ông Phan Đức Thắng, nguyên sĩ quan phiên dịch của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự hai bên ở trại Davis, được thành lập sau khi Ban Liên hợp quân sự 4 bên chấm dứt hoạt động ngày 28-3-1973.

phan-duc-thang-1673940392.jpg
Ông Phan Đức Thắng kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong thời gian ở trại Davis. Ảnh: NGỌC MINH

Nói về giai đoạn Mỹ rút quân khỏi Sài Gòn theo quy định của Hiệp định Paris, ông Phan Đức Thắng cho rằng, trong suốt cuộc chiến tranh kể từ khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam cho đến khi họ rút quân, quân ngụy chủ yếu phục vụ cho quân đội Mỹ và lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào quân Mỹ. Vì vậy, việc Mỹ phải rút gần 54.000 quân còn lại ra khỏi miền Nam Việt Nam một cách công khai tạo thành cú sốc tâm lý lớn đối với quân ngụy. Việc Mỹ rút khỏi Việt Nam cũng khiến hỏa lực và sức cơ động của quân ngụy giảm đi rất nhiều, nhờ đó mức độ khốc liệt trên chiến trường cũng giảm đi.

Theo các điều khoản của Hiệp định Paris, Mỹ phải rút hết quân trong 60 ngày kể từ ngày hiệp định được ký kết. Hình ảnh lính Mỹ rút khỏi Việt Nam dưới sự kiểm soát và giám sát của đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Tổ Liên hợp quân sự 4 bên-những người từng cầm súng chiến đấu trực tiếp với quân Mỹ trên chiến trường miền Nam-và Ủy ban quốc tế mãi là ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí ông Thắng.

“Các đại diện của ta cầm tờ danh sách, kiểm tra tên tuổi, cấp bậc của từng binh sĩ Mỹ. Sau đó, họ đọc đến tên ai thì người đó bước lên cầu thang máy bay. Chiều 29-3-1973, những người lính Mỹ cuối cùng rời sân bay Tân Sơn Nhất để về nước. Như vậy, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề vững chắc để tiến tới “đánh cho ngụy nhào” vào hai năm sau”, ông Thắng nhớ lại.

Cũng theo Hiệp định Paris, Mỹ đặt mục tiêu phải hồi hương hết tù binh Mỹ bị bắt ở Việt Nam. Là người có một năm tham gia các đợt trao trả tù quân sự và tù dân sự ở Lộc Ninh (Bình Phước), ông Thắng cho biết, Mỹ không có nhiều tù binh bị bắt ở Việt Nam, nhưng phần lớn tù binh Mỹ là phi công bị bắt ở miền Bắc. Họ thuộc lực lượng tinh túy nhất của quân đội Mỹ, nhiều người là con ông cháu cha, thuộc hàng danh gia vọng tộc, có tiếng nói ở trong nước. Do đó, gia đình họ đã yêu cầu cho con em mình được hồi hương.

my-1673940392.jpg
Các phi công quân sự Mỹ bị bắt được Chính phủ Việt Nam trao đợt một tại sân bay Gia Lâm ngày 12-2-1973. Ảnh: Phòng lưu trữ Bộ Ngoại giao

Điểm thú vị là, Hiệp định Paris quy định việc trao trả tù binh Mỹ phải được tiến hành song song và kết thúc không chậm hơn ngày rút quân Mỹ. Hai đoàn đại biểu quân sự ta bám chắc quy định này của Hiệp định Paris. Theo nguyên tắc, ai bị bắt trước thì trả trước, ai bị thương thì trả trước, ai không bị thương, bị bắt sau thì trả sau.

Do vậy, những phi công B-52 của Mỹ là nhóm tù binh cuối cùng được trao trả ở sân bay Gia Lâm cùng thời điểm những binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều 29-3-1973. Ta trao trả cho Mỹ tổng cộng 554 tù binh Mỹ, trong đó có 27 sĩ quan và binh sĩ Mỹ bị bắt ở miền Nam, số còn lại là 527 phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, đấu tranh với ngụy quyền Sài Gòn để trao trả tù binh khó khăn hơn rất nhiều, bởi thực tế ngụy quyền Sài Gòn không thiết tha với việc nhận lại người tù của họ. Nhưng ta vẫn đấu tranh và nhận lại gần 27.000 tù binh của ta bị ngụy quyền Sài Gòn bắt và trả lại hơn 5.000 tù binh của họ. Ta cũng trả cho họ hơn 600 tù dân sự và nhận lại hơn 5.000 tù dân sự của ta.

Lấy trường hợp của đồng chí Võ Thị Thắng là một ví dụ. Ta đưa danh sách đề nghị ngụy quyền Sài Gòn trao trả, tuy nhiên họ lật lọng bảo Võ Thị Thắng là tù thường phạm, không nằm trong diện trao trả của Hiệp định Paris. Chúng ta đã trưng ra tất cả tài liệu mà báo chí Sài Gòn từng đưa tin khi tòa án xử bà Thắng với cáo buộc là cộng sản. Thậm chí, phía ta còn cung cấp thông tin đồng chí Võ Thị Thắng bị giam ở nhà tù nào, cùng với những ai... Cuối cùng, phía ngụy quyền Sài Gòn buộc phải trao trả đồng chí Võ Thị Thắng tại sân bay quân sự Lộc Ninh.

Một năm ở Lộc Ninh, ông Thắng đã chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động về trao trả tù binh. Ông nhớ một lần, máy bay chở anh em ta từ nhà tù Phú Quốc về Lộc Ninh để tiến hành trao trả. Hàng trăm anh em, quần áo tả tơi, người xanh xao, thương tật đầy mình, dìu nhau từ trên máy bay xuống.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy đông đảo bà con và đại diện của phái đoàn ta ra đón, nhìn thấy họ mang theo nhiều lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và khẩu hiệu cách mạng, thì anh em bất ngờ rút hàng chục lá cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, hàng chục khẩu hiệu cách mạng giấu trong người ra vẫy, reo hò và hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Hình ảnh này xuất hiện nhiều lần trong các đợt trao trả tù binh ở sân bay quân sự Lộc Ninh. Chứng kiến những cảnh đó, ông Thắng không sao cầm được nước mắt.

Trận địa ngoại giao trong lòng địch

Phối hợp đấu tranh đòi Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, hai đoàn đại biểu quân sự ta tại Ban Liên hợp quân sự rất coi trọng cuộc đấu tranh dư luận. Ông Phan Đức Thắng kể: “Sài Gòn có 77 cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài, trong đó có hơn 20 cơ quan báo chí Mỹ và hơn 500 nhà báo nước ngoài. Hai phái đoàn ta tại trại Davis đã giữ quan hệ, duy trì các cuộc tiếp xúc và trả lời phỏng vấn với phóng viên nước ngoài.

my-2-1673940392.jpg
Những sĩ quan Mỹ rút khỏi Việt Nam dưới sự kiểm soát và giám sát của đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời trong Tổ Liên hợp quân sự 4 bên và Ủy ban quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 27-3-1973. Ảnh: Phòng lưu trữ Bộ Ngoại giao

Đặc biệt, cuộc họp báo cuối cùng sáng 26-4-1975 đã để lại ấn tượng sâu sắc. Phòng họp báo hôm đó đông nghẹt người, khoảng 200 người đến dự, không chỉ các nhà báo mà có cả người của an ninh, mật vụ, tình báo và quan chức đối phương. Đại tá, Phó trưởng đoàn Võ Đông Giang công bố bản Tuyên bố chính thức của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đưa ra các điều kiện để mở đàm phán, trong đó có 9 điều kiện với Mỹ và 7 điều kiện với ngụy quyền Sài Gòn. Hôm đó, không có ai tố cáo “Bắc Việt” và “Việt Cộng” vi phạm Hiệp định Paris.

Họ chỉ muốn biết quân ta định tấn công đến đâu thì dừng lại, có tấn công Sài Gòn không, có mở đàm phán không và đàm phán với điều kiện gì. Được hỏi điều kiện nào trong 16 điều kiện mà Chính phủ Cách mạng lâm Cộng hòa miền Nam Việt Nam thời nêu ra là quan trọng nhất, đồng chí Võ Đông Giang trả lời: “Điều kiện nào cũng quan trọng và cũng phải được đáp ứng trước khi nói đến chuyện mở đàm phán”.

Thực tế, Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời là “tối hậu thư” buộc Mỹ phải chấm dứt can thiệp và buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Cuộc họp báo chứng tỏ thế đứng vững vàng của cách mạng trước dư luận quốc tế và dư luận ở miền Nam, thế đứng của người chiến thắng.

50 năm đã trôi qua nhưng Hội nghị Paris và Hiệp định Paris, trong đó có quá trình đấu tranh thi hành Hiệp định Paris ở miền Nam, mãi mãi là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Các bài học từ Hội nghị Paris và cuộc đấu tranh thi hành hiệp định là hành trang quý để Việt Nam vững bước tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, góp phần củng cố, nâng cao thế và lực của đất nước.