Chặng đường đến chiến thắng

LTS: Kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, trải qua 247 phiên họp công khai và họp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hội nghị Paris) là hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới, với đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.

Bài 1: Từ chiến trường đến bàn hội nghị

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc và ngồi lại đàm phán, có đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thắng lợi bước đầu, có ý nghĩa chiến lược.

Cú đòn làm chuyển biến thế trận

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của ta đã giáng một đòn nặng nề vào cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ, không chỉ làm chuyển biến thế trận, đảo lộn chiến lược mà còn làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm cho Mỹ thấy rằng họ không thể khuất phục nhân dân ta bằng vũ lực mà phải chấp nhận đàm phán.

chang-duong-den-chien-thang-01-1673833701.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị ngày 28-12-1967 quyết định chủ trương Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: TTXVN 

“Mỹ hiểu rằng không thể thắng ta bằng chiến tranh. Nếu muốn ra khỏi chiến tranh, không có cách nào khác là phải thông qua thương lượng. Vì vậy, Mỹ phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Về phía ta, chấp nhận đàm phán là để mở ra một mặt trận mới về ngoại giao. Ta hiểu rõ, trên bàn đàm phán, ta không thể giành lấy cái mà trên chiến trường ta không giành được”, nhà báo Hà Đăng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, nhận định.

Đấu tranh buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc và ngồi vào đàm phán, có đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là thắng lợi bước đầu, có ý nghĩa chiến lược. Bởi lẽ, Việt Nam Dân chủ cộng hòa muốn đàm phán 4 bên vì muốn nâng vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng Mỹ lại tìm mọi thủ đoạn để hạ thấp vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Thủ đoạn của Mỹ là chỉ tham gia đàm phán về những vấn đề quân sự có liên quan trực tiếp tới Mỹ, còn những vấn đề khác, trong đó có vấn đề chính quyền ở miền Nam Việt Nam thì do "các bên Việt Nam" đàm phán với nhau.

Chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán 4 bên, nhưng đàm phán ở đâu là cả vấn đề lớn. “Ta gợi ý chọn Phnom Penh nhưng Mỹ không chấp nhận vì thủ đô của Campuchia sát chiến trường Việt Nam sẽ bị tác động rất lớn; ta đề xuất chọn Warsaw (Ba Lan) cũng bị Mỹ từ chối. Trong khi đó, ta phản đối các địa điểm mà Mỹ đề xuất như Geneva (Thụy Sĩ), Katmandu (Nepal)... Cuối cùng, khi ta đề nghị chọn Paris, Mỹ đồng ý luôn”, Đại sứ, GS, TS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao cho hay.

Theo GS, TS Vũ Dương Huân, lựa chọn Paris là nơi đàm phán nằm trong ý đồ của ta. Paris là thủ đô của một nước lớn không chỉ ở châu Âu mà của cả thế giới, là trung tâm truyền thông toàn cầu. Một sự kiện, thông tin phát đi từ Paris thì cả thế giới đều biết đến. Ở Paris có phong trào của nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình và công lý ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp. Chính phủ Pháp lúc đó do Tổng thống De Gaulle lãnh đạo không hoàn toàn ủng hộ Mỹ.

Ngày 1-9-1966, trong bài phát biểu trước 100.000 người ở Phnom Penh, Campuchia, Tổng thống De Gaulle đã công khai tố cáo chính sách của Mỹ tại Việt Nam và kêu gọi Chính phủ nước này rút quân khỏi Đông Nam Á. Đặc biệt, ở Pháp có lực lượng kiều bào rất đông, do chính Bác Hồ xây dựng trong thời gian hoạt động tại Pháp. Về mặt địa lý, nếu đi máy bay từ Hà Nội sang Bắc Kinh (Trung Quốc) hoặc Moscow (Liên Xô) sau đó đi tàu sang Paris cũng thuận lợi cho ta. Ngoài ra, ở Paris, ta có điều kiện đi hàng chục nước xung quanh, các nước châu Âu và sang cả châu Phi, châu Mỹ... để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Người đưa ra đề xuất chọn Paris là đồng chí Võ Văn Sung, Tổng đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Pháp. “Chọn địa điểm cũng là một nghệ thuật ngoại giao của Việt Nam. Chúng ta đưa ra nhiều địa điểm nhưng không được Mỹ chấp nhận. Chúng ta “xì” địa điểm cuối cùng và đối phương không thể từ chối. Việc lựa chọn địa điểm đàm phán kéo dài hai tháng cũng là hình thức câu giờ của hai bên”, GS, TS Vũ Dương Huân cho hay.

Hội nghị 4 bên nhưng phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa không công nhận Việt Nam Cộng hòa, còn Mỹ không công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đó nảy sinh vấn đề hình thù chiếc bàn đàm phán. Có nhiều gợi ý về hình dạng cái bàn: Hình vuông, hình chữ nhật, hình oval, hình tròn...

Cũng mất hai tháng đấu tranh, cuối cùng Liên Xô gợi ý đóng bàn tròn, không chia vạch hai bên và ở hai bên có hai bàn hình chữ nhật. Như vậy, ai muốn hiểu là hội nghị hai bên hay 4 bên cũng được. Đề xuất của Liên Xô được các bên nhất trí và chỉ trong một đêm, Pháp đã đóng xong chiếc bàn đặc biệt này.

Sự lật lọng của Mỹ

Trong gần 5 năm đàm phán tại Paris, Mỹ nhiều lần lật lọng, nhằm trì hoãn hoặc phá hoại hiệp định. Đỉnh điểm của sự lật lọng này là vào giữa tháng 12-1972, lấy cớ cáo buộc Việt Nam kéo dài đàm phán, Mỹ đã tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 nhằm vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc (Chiến dịch Linebacker II).

chang-duong-den-chien-thang-02-1673833701.png
Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa Xuân Thủy (giữa) và Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (bên trái). Ảnh tư liệu 

“Việc Mỹ ném bom miền Bắc tháng 12-1972 là một mưu đồ”, GS, TS Vũ Dương Huân nhận định. Trước hết, Mỹ gây sức ép tối đa với Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải nhân nhượng, sửa đổi 63 điều trong nội dung hiệp định theo yêu cầu của ngụy quyền Sài Gòn. Chính quyền Richard Nixon cũng muốn chứng minh cho Nguyễn Văn Thiệu thấy rằng Mỹ đã cố làm hết trách nhiệm bảo vệ đồng minh, thay vì rút lui mà không chiến đấu. Trong thư ngày 14-11-1972 gửi Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Nixon viết: “Tôi tuyệt đối cam kết với ngài rằng: Nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của hiệp định này thì tôi cương quyết sẽ có những hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt”.

Mỹ sử dụng “pháo đài bay” B-52 thả hơn 36.000 tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc nhằm phá hủy các cơ sở quân sự-kinh tế, làm suy yếu nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, góp phần hạn chế chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Phá hủy các cơ sở kỹ thuật, quân sự, kinh tế của đối phương là phong cách của Mỹ. Cũng cần nhắc lại là trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mỹ đã tàn phá khủng khiếp thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên trước khi thua.

Tiến hành Chiến dịch Linebacker II còn thể hiện bản chất ngoại giao sức mạnh của đế quốc Mỹ. Ngày 23-11-1972, khi gặp Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Henry Kissinger đã đọc bức điện của Nixon ngầm đe dọa ngừng đàm phán, ném bom trở lại. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ đã khẳng khái đáp: “Đe dọa chúng tôi chẳng có tác dụng gì đâu! Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười mấy năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng đi đến giải quyết; không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu”.

“Có thể nói, việc Mỹ thua trên bầu trời Hà Nội đã tạo thời cơ để chúng ta buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973”, GS, TS Vũ Dương Huân kết luận.

(còn nữa)