Chăm sóc sức khỏe tâm thần là vấn đề của toàn xã hội

Võ Việt
Sáng 10/10, tại Hà Nội, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, Bộ môn Tâm thần (Trường Đại học Y Hà Nội) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần”.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đều chung nhận định, sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác.

cham-soc-1-1696987389.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Chăm sóc sức khỏe tâm thần là vấn đề của toàn xã hội. Phòng ngừa và nâng cao sức khỏe tâm thần là trách nhiệm của chính mỗi người dân, gia đình, cộng đồng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương cùng các tổ chức xã hội.

Theo GS.TS.Trần Văn Thuấn, hiện nay, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước được củng cố và dần hoàn thiện, với hai bệnh viện tâm thần ở tuyến Trung ương là Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cùng với Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia.

cham-soc-2-1696987389.jpg
GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

Tại tuyến tỉnh, hiện 43 tỉnh, thành phố có bệnh viện tâm thần, số còn lại là khoa tâm thần trong BVĐK, trung tâm phòng, chống bệnh xã hội của tỉnh. Tại tuyến quận, huyện, có nhiều bác sĩ được tập huấn về công tác sức khỏe tâm thần.

Tuyến xã, phường tập trung nhiều vào quản lý danh sách người bệnh tâm thần, chủ yếu là cấp thuốc điều trị tâm thần theo chỉ định của tuyến trên, không thực hiện công việc khám, chẩn đoán, kê đơn điều trị rối loạn tâm thần.

Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025.

Mục tiêu chung là "tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước".

Bộ Y tế cũng đang xây dựng riêng một đề án cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần là Đề án "Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần" để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới.

Vì vậy, “chăm sóc sức khỏe tâm thần" là vấn đề không của riêng ai và không của riêng cấp bậc hành chính nào. Phòng ngừa và nâng cao sức khỏe tâm thần là trách nhiệm của chính mỗi người dân, gia đình, cộng đồng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương cùng các tổ chức xã hội, thông qua các giải pháp như nâng cao nhận thức, thực hiện các hành vi lành mạnh ở mỗi cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, dự phòng và xử lý tốt các thiên tai, thảm họa...

Tại hội thảo, ông Lê Minh Sang - chuyên gia y tế cao cấp của WB tại Việt Nam đánh giá, mặc dù Việt Nam có hơn 11 nghìn trạm y tế xã, phường nhưng chỉ 49% số trạm thực hiện được 80% danh mục chuyên môn kỹ thuật; các trạm y tế chỉ cấp thuốc miễn phí cho người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm; không thực hiện được các dịch vụ khác như sàng lọc, trị liệu, phòng tái phát hay phục hồi chức năng...

Ông Lê Minh Sang đồng thời đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần mở rộng bao phủ cung ứng dịch vụ, đồng thời chuyển đổi mô hình theo hướng lồng ghép, có điều phối; chăm sóc ban ngày dựa vào cộng đồng; phát triển và quản lý nguồn lực.

cham-soc-3-1696987389.jpg
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để phòng ngừa các rối loạn tâm thần, mỗi cá nhân cần duy trì một chế độ làm việc, học tập, ăn uống, nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý. Cần kiểm soát tốt thời gian của bản thân, suy nghĩ tích cực, dành thời gian các sở thích, nghỉ ngơi, giải trí.

Rối loạn tâm thần giai đoạn sớm thường có các biểu hiện: Rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính cách, thay đổi trong nề nếp sinh hoạt hàng ngày, thay đổi trong cách suy nghĩ, thay đổi trong cách nói, có những hành vi kỳ lạ, không phù hợp với hoàn cảnh hoặc không thể giải thích được, ăn uống bất thường...

Người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị khi có hành vi bất thường hoặc khác lạ, chẳng hạn như nói một mình, hoặc cười mà chẳng có lý do gì; thay đổi đột ngột về tính khí đến nỗi người đó trở nên vui vẻ thái quá, quá nhiều năng lượng hay tiêu quá nhiều tiền; đe dọa tự tử; trẻ học hoặc làm việc kém; uống rượu bia quá nhiều,..

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn khuyến cáo cần tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động bảo vệ sức khỏe tâm thần của mọi người như một quyền phổ quát của con người.

Nguyễn Liên