CDC Thanh Hóa tổ chức quản lý nguồn nhân lực theo đúng vị trí việc làm

Đứng trước những biến động khó lường của dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ( CDC) Thanh Hóa giữ vai trò tiên phong trong công tác phòng chống và kiểm soát bệnh tật. Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Bình Yên, Giám đốc Trung tâm, đã chia sẻ về những thành tựu đáng tự hào, những thách thức cần vượt qua và cách mà đơn vị đang tận dụng công nghệ số, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả hoạt động, qua bài phỏng vấn của Phóng viên Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt.
z6687799021878-c196aec33b274946968b71d455ff86b6-1749530605.jpg
Hình ảnh Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hóa.

Xin chào Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Bình Yên, ông có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật và những thách thức trong công tác phòng chống dịch bệnh của CDC Thanh Hóa trong thời gian vừa qua?
CDC Thanh Hóa là đơn vị trực thuộc Sở Y tế, có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ (gọi tắt là các hoạt động chuyên môn) về phòng, chống dịch; bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và cung cấp các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như sốt xuất huyết, bệnh chân tay miệng, sởi, quai bị…bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập vào Thanh Hóa rất cao. 

z6687800212448-1185dfea2e8c9a697ed0ef3fd241d290-1749530605.jpg
Hoàng Bình Yên, Giám đốc Trung tâm CDC Thanh Hóa tại ổ dịch Bạch hầu, thị trấn huyện Mường Lát, Thanh Hóa năm 2024.

Trung tâm luôn đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh. Các loại hình truyền thông được tiến hành đa dạng kết hợp giữa truyền thông trực tiếp và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng… góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về vệ sinh phòng bệnh và ý nghĩa của việc phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi khác đều được giám sát chặt chẽ và khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát, với vai trò là đơn vị y tế nòng cốt, tham mưu chính giúp Sở Y tế chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã chủ động, tích cực tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, phương án nhằm ứng phó các cấp độ của dịch bệnh, tiến hành tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức thực hiện công tác phòng, chống dịch tuyến huyện, thành phố. 
Chúng tôi luôn nổ lực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình y tế khác. Song song với việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe môi trường, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Chúng tôi chú trọng và đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới, thực hiện giám sát phát hiện các nguy cơ. Công tác tiêm chủng mở rộng được tổ chức thực hiện tại 100% xã, phường, đảm bảo chất lượng, không có tai biến xảy ra. Hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng đã thực hiện tư vấn về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ tại các cơ sở y tế, quản lý thai nghén, khám thai định kỳ và đỡ đẻ an toàn cho các bà mẹ. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống rõ rệt hàng năm. Công tác phòng chống HIV/AIDS tiến tới loại trừ AIDS vào năm 2030 luôn được triển khai các giải pháp nhằm kịp thời kiểm soát dịch HIV tại cộng đồng, chú trọng công tác giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp nhiễm HIV. Trung tâm cũng là cơ sở y tế đầu tiên của tỉnh được cấp phép khám và điều trị BNN.

z6687801307822-b40e98a10ddcb165ff514e87995c5359-1749530605.jpg
TS Hoàng Bình Yên và các cán bộ CDC Thanh Hóa tham gia giám sát dịch tại cửa khẩu Na Mèo Thanh Hóa.

Chúng tôi xác định thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay là đang vào mùa du lịch, giao thương, tập trung đông người tại các khu vực công cộng sẽ tăng cao, cùng thời tiết giao mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan. Các bệnh dịch khác như: Dịch sốt xuất huyết vẫn đang là mối lo ngại trên toàn cầu do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc tơ hạn chế. Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ tăng số mắc, khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết, trong khi việc quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế. Các bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc. Cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do virus trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi. Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, bệnh cá nhân khá phổ biến, đặc biệt là với nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non nên nguy cơ gia tăng số mắc…Vì vậy, trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. 
Ông đánh giá thế nào về vai trò của cộng đồng trong việc phòng, chống bệnh tật, và những chương trình, dự án nào trong thời gian qua có hiệu quả cải thiện sức khỏe cộng đồng ?
Điều thuận lợi nhất chúng tôi thấy là mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, các cấp chính chính quyền cơ sở từ lãnh đạo đến các công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, ấp, tổ dân phố và người dân đều tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch COVID-19 nói riêng. Vai trò của cộng đồng và ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe hiện nay đã tốt hơn rất nhiều. Khi các cơ quan chức năng tuyên truyền phòng, chống dịch, người dân đều chấp hành rất tốt, nhất là trong dịch COVID-19 vừa qua. Về việc tiêm chủng, nếu trước đây chúng ta phải vận động người dân đi tiêm rất vất vả, thì hiện nay tiêm chủng đã trở thành nhu cầu của người dân, trừ những vùng sâu, vùng xa vẫn còn những 'vùng lõm' tiêm chủng”.
Mặc dù ý thức của người dân đã tốt, nhưng vẫn chưa thường xuyên. Một số người dân chỉ cần có thông tin, tin đồn dịch bệnh, nhiều người đã “vội vàng” theo trào lưu, đám đông hoang mang, lo lắng; nhưng khi dịch bệnh lắng xuống lại chủ quan. vẫn chủ quan, lơ là. Nhất là tình trạng "anti" vaccine của một bộ phận người dân khiến nhiều trẻ bỏ lỡ tiêm chủng. Điều này dẫn đến một số bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi gia tăng trong thời gian qua.

z6687802134933-b54d404a64add8c4ea727614704e86a8-1749530605.jpg
Ông Hoàng Bình Yên phát biểu tại Hội nghị giao ban y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2025 của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa.

Trong năm 2024 Trung tâm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đơn vị đã triển khai có hiệu quả nhiều đề án, dự án, chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Trong đó, cụ thể như: Chương trình Tiêm chủng được thực hiện đồng loạt trên tại các địa phương. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 95,6% (tăng 25,2% so với cùng kỳ). Về cơ bản tỷ lệ tiêm chủng đã đáp ứng được theo tiến độ kế hoạch của năm. Trong những tháng đầu năm 2025, đã tổ chức triển khai có hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi được tiêm chủng đạt 96,5%; Tỷ lệ trẻ từ 1 đến 10 tuổi được tiêm chủng đạt 96,8%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi đợt 3 năm 2025. Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS: can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm phát hiện, điều trị HIV/AIDS, truyền thông thay đổi hành vi .... Trong năm 2024 ghi nhận 107 ca HIV mới tại 23 huyện (30% ca HIV mới vẫn thuộc nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới), 8 ca tử vong tại 6 huyện. Các ca HIV, ca điều trị ARV, ca HIV tử vong mới đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số ca HIV/AIDS lũy tích là 9.240 người; trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.685 (4.068 người Thanh Hóa và 617 người tỉnh ngoài ở trại giam), hơn 3.000 người nhiễm HIV đã tử vong. Điều trị miễn phí thuốc ARV cho 4.157 người, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 1.491 người nghiện ma túy; Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho 1.718 khách hàng; tỷ lệ phụ nữ mang thai HIV (+) được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con đạt 100%.
Xin ông cho biết: Vai trò của công nghệ và chuyển đổi số trong công tác kiểm soát và phòng, chống bệnh tật tại Thanh Hóa, Trung tâm có kế hoạch gì để tối ưu hóa ứng dụng công nghệ trong thời gian tới?
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu của mọi ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế mang đến nhiều cải tiến cho việc quản lý sức khỏe và cung cấp dịch vụ chăm sóc. Nhờ sự ứng dụng của công nghệ, nhà quản lý y tế có thể triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo và dự báo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân.
Tại Thanh Hóa trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch COVID-19 nói riêng, công nghệ thông tin có vai trò quan trọng và hỗ trợ rất hiệu quả trong nhiều hoạt động, như nhập, xử lý và báo cáo số liệu bệnh truyền nhiễm qua mạng Internet trong tất cả các đơn vị y tế dự phòng từ tuyến xã cho đến Cục Y tế dự phòng, thực hiện khai báo y tế điện tử; hỗ trợ phát hiện để kịp thời khoanh vùng, cách ly, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý tốt thông tin tiêm chủng, trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai các hoạt động tiêm chủng một cách khoa học, linh hoạt, kịp thời phát hiện địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp để triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ, tạo hiệu quả cao nhất cho công tác tiêm chủng phòng bệnh. Phần mềm quản lý người nhiễm HIV INFO 4.0 là một công cụ hiện đại, được thiết kế nhằm hỗ trợ các cơ sở y tế trong việc quản lý, theo dõi, và chăm sóc người nhiễm HIV. Việc sử dụng INFO 4.0 mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Đặc biệt, đối với người nhiễm HIV, bảo mật thông tin cá nhân là điều cực kỳ quan trọng. INFO 4.0 được xây dựng với các tính năng bảo mật cao, đảm bảo rằng thông tin cá nhân và hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được bảo vệ chặt chẽ, chỉ cho phép những người có thẩm quyền mới có thể truy cập. Ngoài ra, phần mềm sẽ hỗ trợ công tác theo dõi, giám sát diễn biến dịch HIV, theo dõi tác động của các chương trình HIV và cảnh báo nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho hệ thống đáp ứng y tế công cộng trên địa bàn tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng để kiểm soát và phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả trong thời gian tới”.
Nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng chúng tôi sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và quản lý thông tin y tế dự phòng, duy trì và nâng cao chất lượng báo cáo bệnh truyền nhiễm qua phần mềm theo quy định Thông tư 54/2015 của Bộ y tế về quản lý hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. 
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền lợi ích của chuyển đổi số đến các khoa, phòng tại đơn vị và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của các cán bộ viên chức, người lao động đơn vị. Bên cạnh đó đào tạo, tập huấn cho cán bộ viên chức, người lao động của đơn vị về kiến thức cơ bản của chuyển đổi số. Chủ động xây dựng các chương trình truyền thông về triển khai y tế số trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh.Tiếp tục phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm nhằm đáp ứng sự tăng trưởng về thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu y tế. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ viên chức và người lao động của đơn vị về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế.
Thưa ông! Nguồn nhân lực của trung tâm hiện nay đã đủ và đáp ứng được yêu cầu hay chưa, Trung tâm có kế hoạch gì để đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của đơn vị cũng như đội ngũ cán bộ y tế ở các địa phương?
Ngay từ những ngày đầu sáp nhập Đảng ủy, Ban giám đốc, lãnh đạo các khoa phòng  của Trung tâm từng bước kiện toàn tổ chức, nhân lực được bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí làm việc từng khoa, phòng.
Trung tâm đã căn cứ Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 02 năm 2023 của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong dơn vị sự nghiệp y tế công lập. Với chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng,... hiện nay với nguồn nhân lực hiện có tại CDC cơ bản đáp ứng được yêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công việc,  trình độ nhân lực của viên chức, người lao động mới chỉ dáp ứng một phần so với quy định. Vì vậy, hàng năm Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đào tạo trình Sở Y tế phê duyệt và cử viên chức, người lao động đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Theo đó trong năm 2025 CDC dự kiến cử 02 viên chức đào tạo tiến sĩ/BSCKII; 02 viên chức đào tạo thạc sĩ/BSCKI; 10 viên chức đào tạo đại học; 04 viên chức bồi dưỡng lý luận chính trị và quản lý nhà nước; 08 viên chức bồi dưỡng chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ. 
Trung tâm còn cử cán bộ đi đào tạo chuyên ngành theo định hướng phát triển của đơn vị, đặc biệt tập trung vào các chuyên ngành xác định mũi nhọn trong thời gian tới, ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực. Bao gồm các lĩnh vực: Y tế lao động (Khám phát hiện Bệnh nghề nghiệp, Quan trắc môi trường lao động); Xét nghiệm nước, xét nghiệm quan trắc môi trường lao động, phát hiện bệnh nghề nghiệp, xét nghiệm phát hiện dịch bệnh; Đào tạo nâng cao năng lực dự báo dịch bệnh truyền nhiễm, phòng, chống côn trùng y học; Kỹ năng, phương pháp Truyền thông giáo dục sức khỏe. 
Trung tâm có chiến lược hoặc kế hoạch gì để tăng cường hợp tác với các tổ chức y tế trong và ngoài nước, cũng như các đơn vị y tế trong nước để tiếp thu khoa học, kinh nghiệm nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của CDC?.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng thời gian qua thông qua hỗ trợ, tài trợ, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ và sự chỉ đạo, kiểm tra sát sao của Bộ Y tế, Sở Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương,... Hiện chúng tôi được tiếp nhận và triển khai hoạt động Dự án gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, được các tổ chức, đơn vị ghi nhận và đánh giá cao. 
Căn cứ nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, các tổ chức tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động, dự án, đề án do các tổ chức phi chính phủ viện trợ nhằm góp phần nâng cao năng lực triển khai các hoạt động tiêm chủng mở rộng tại tất cả các tuyến; gia tăng sự sẵn có và dễ tiếp cận đối với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho người dân và nâng cao năng lực xét nghiệm HIV, năng lực điều trị HIV/AIDS trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS,...
Trong thời gian tới, CDC tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung vào những mục tiêu chính nào để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng và đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống y tế dự phòng ?
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch BTN không để dịch bệnh xâm nhập, bùng phát, lây lan trong cộng đồng; phát hiện sớm và có biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch bùng phát.Tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc, điều trị ARV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, mở rộng điều trị bằng Methadone và các hình thức cai nghiện có hiệu quả. Duy trì kết quả mục tiêu 90-90-90 đã đạt được, phấn đấu tiếp cận mục tiêu 95-95-95 trong thời gian tới. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tăng cường mở rộng thêm danh mục kỹ thuật xét nghiệm thông thường và xét nghiệm kỹ thuật cao trong chẩn đoán bằng sinh học phân tử đáp ứng cơ bản yêu cầu của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Duy trì 15 chỉ tiêu xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn ISO 17025:2017 hiện tại; phát triển 09 chỉ tiêu mới, đánh giá mở rộng 16 chỉ tiêu trong tổng số 30 chỉ tiêu xét nghiệm nước nhóm A và nhóm B theo tiêu chuẩn địa phương QCĐP 01:2021/TH đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2017. Triển khai thực hiện 4 chỉ tiêu quan trắc môi trường bằng phương pháp hấp thụ (HCL, NO2, NH3, H2SO4). 
Duy trì thành quả hoạt động tiêm chủng mở rộng; giảm số ca mắc, chết do các bệnh có thể phòng được bằng vắc xin trên trẻ em; cũng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tăng cường công tác quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm tại cơ sở. 
Xây dựng phương án kiện toàn lại cơ cấu tổ chức của đơn vị (trên cơ sở sát nhập một số khoa, phòng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ) nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn trong đơn vị (theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương. Tổ chức quản lý nguồn nhân lực theo đúng vị trí việc làm nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả công tác. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin từng bước nâng cao chất lượng y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đẩy mạnh công tác NCKH và áp dụng sáng kiến cải tiến trong việc triển khai hoạt động của đơn vị.  Năm 2025 đăng ký triển khai thực hiện đề tài cấp tỉnh./.

Hữu Thắng