Cần xác định lực lượng “ve chai, đồng nát” là một nghề để có cơ chế hỗ trợ phù hợp

Lực lượng lao động phi chính thức đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống thu gom rác thải, vì theo ước tính hơn 30% lượng rác thải được thu gom thông qua kênh này. Vai trò và nhu cầu của nghề ve chai, đồng cần được hiểu rõ để chuẩn bị cho sự tham gia của họ vào khung chính sách…

Đề xuất tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm từ các Dự án thí điểm cùng với các nữ lao động phi chính thức tại Việt Nam”, đại diện Enda Vietnam cho rằng, cần cân nhắc nghiên cứu và xem hoạt động kinh doanh phế liệu là một ngành chính thức.

Sự kiện do Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp Kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tổ chức vừa diễn ra tại thành phố Quy Nhơn.

thu-mua-dong-nat-1650323176.png
Cân nhắc nghiên cứu và xem hoạt động kinh doanh phế liệu là một ngành chính thức.

Xây dựng cơ chế trách nhiệm EPR

Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp Kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, do Tổ chức hợp tác Đức (GIZ) và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại 7 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, Dự án đã hỗ trợ Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường xây dựng khung chính sách và tài trợ cho dự án thí điểm “Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa” tại TP. HCM.

Ngoài ra, dự án cũng đã thực hiện nghiên cứu tại 6 thành phố ở Việt Nam (Hà Nội, TP. HCM, Buôn Ma Thuột, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) để tìm hiểu và đánh giá vai trò của các bên liên quan khác nhau trong chuỗi giá trị nhựa theo quan điểm của cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022, với các chương về quản lý chất thải, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc kết hợp lộ trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

“Việc áp dụng một cơ chế trong Luật sẽ giảm thiểu tình trạng nhựa rò rỉ ra môi trường và tạo thêm dòng tài chính để tăng cường thu gom và tái chế bao bì. EPR có thể tạo ra cơ hội và cả những thách thức cho người thu gom và các cơ sở phế liệu”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Cũng theo bà Caitlin Wiesen, rác và nhựa chính là các nguồn lực kinh tế. Chúng ta cần phân loại, thu gom và tái chế chất thải để thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của thị trường nguyên vật liệu thứ cấp phù hợp với điều kiện địa phương và bao trùm với sự tham gia của người phụ nữ ở tất cả các giai đoạn.

Theo bà Fanny Quertamp, Cố vấn cấp cao tại Việt Nam của dự án “Suy nghĩ lại về nhựa”, Cơ chế EPR đang được xây dựng, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2024 là một bước tiến lớn tạo ra cơ hội và thách thức cho những người thu gom rác thải.

Điều này sẽ khiến như cầu thu gom rác thải nhựa nói riêng, rác thải tái chế tăng. Việc yêu cầu truy xuất nguồn gốc của chuỗi giá trị bao bì sẽ tác động đến tổ chức quản lý rác thải hiện tại và mở ra cơ hội để tích hợp và công nhận những người thu gom là người đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn.

Cần chính sách cho nghề ve chai

Khảo sát về những người lao động thu gom rác thải phi chính thức (ở miền Nam thường được gọi là ve chai, ở miền Bắc gọi là nghề đồng nát) của Tổ chức Enda Vietnam cho thấy, trên địa bàn TP. HCM có gần 5.000 người làm nghề ve chai chuyên đi nhặt những loại rác có thể tái chế được (rác thải nhựa, chai thủy tinh, rác thải kim loại…) trên đường, hoặc mua rác tái chế từ hộ gia đình, cơ sở kinh doanh và bán cho vựa ve chai. Toàn thành phố có 1.800 vựa ve chai.

Đại diện Enda Vietnam cho rằng, cần xác định vai trò quan trọng của lực lượng phi chính thức trong hoạt động thu gom, tái chế rác. Đồng thời có các giải pháp đồng bộ và thống nhất chung trong công tác quản lý chất thải rắn, trong đó cần thống nhất quản lý toàn bộ lực lượng thu gom và tái chế rác, không chỉ đối với lực lượng ngoài công lập mà cả lực lượng công lập.

Cùng với đó, cân nhắc nghiên cứu và xem hoạt động kinh doanh phế liệu là một ngành chính thức, qua đó có cơ chế mở, phù hợp để hỗ trợ cho các vựa ve chai đăng ký giấy phép hoạt động. Cần có các sáng kiến ​​hiện đại nhằm cải thiện điều kiện làm việc và tác động môi trường của khu vực phi chính thức tập trung vào việc tích hợp khu vực phi chính thức.

Đại diện Đại diện Enda Vietnam khuyến nghị, các can thiệp hỗ trợ cho nhóm phi chính thức nên tập trung vào trọng tâm xây dựng năng lực để lực lượng này tiếp cận với các loại hình và dịch vụ an sinh xã hội, trong đó có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Trình bày tham luận “Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất tác động như thế nào đến sự phát triển của hệ thống đồng nát ở Việt Nam”, Ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ ra những thách thức đối với hệ thống đồng nát. Lực lượng này chủ yếu là nữ giới (chiếm hơn 90%) mặc dù đây là công việc nặng nhọc, điều kiện lao động còn lạc hậu, không bảo hộ: chủ yếu làm bằng thủ công, tư liệu lao động thô sơ, phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế, xã hội không được quan tâm.

Những người làm nghề đồng nát chưa có tổ chức riêng để bảo vệ quyền lợi, bị các đầu nậu chi phối, thậm chí ép về giá. Trong khi đó, hệ thống thu gom rác của nhà nước ngày càng được hiện đại hóa và nhân rộng, hạ tầng thu gom ngày càng được hiện đại hóa, cạnh tranh trực tiếp với hệ thống đồng nát.

Do các chính sách hỗ trợ đưa ra trong EPR sẽ chỉ hỗ trợ đối với những người có pháp nhân, tức là đăng ký thu gom tái chế rác thải, nên ông Nguyễn Thi cho rằng, cần xây dựng chính sách để làm thay đổi nghề đồng nát. Cụ thể, nghề đồng nát phải được đăng ký lao động trong một tổ chức pháp nhân (không nên hoạt động đơn lẻ, hộ gia đình) tiến tới có Hiệp hội của mình.

"Họ cần phải có cơ hội nhận hỗ trợ kinh phí từ EPR, được hỗ trợ sử dụng công nghệ (điện thoại di động, kết nối số hóa, thông tin) để phát hiện nhanh vật liệu cần thu gom, cân bằng với đầu nậu, nhà tái chế, nhà xuất khẩu. Cần từng bước ứng dụng thu gom tự động, để bớt việc di chuyển đến các hộ gia đình, kém hiệu quả", ông Nguyễn Thi nhấn mạnh.