Cần nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi

Dù sức khỏe của doanh nghiệp đã dần phục hồi, nhưng năm 2022, dự báo bức tranh kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa xóa được những gam màu tối, đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo: Nhìn lại kinh tế vùng ĐBSCL năm 2021 và kịch bản năm 2022, diễn ra ngày 10-12.

Hội thảo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức với mục tiêu tạo kết nối giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương khu vực phía nam trong tiến trình phục hồi kinh tế, triển khai một số định hướng cho năm 2022 cùng với đó là nhận diện những trở ngại pháp lý thông qua thực tiễn tranh chấp, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho giai đoạn phục hồi kinh tế mới.

cong-nhan-may-1639146827.jpg
Đại dịch Covid-19 khiến năm 2021 có gần 1 vạn người lao động mất việc làm

Tham luận tại hội thảo các chuyên gia cho rằng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa từ cánh đồng đến nhà máy, giao thông đi lại khó khăn, ngoài ra các doanh nghiệp vùng ĐBSCL chật vật với phương án “vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch”, năng suất đạt từ 10 đến 30%.

Bên cạnh đó, chi phí về phòng, chống dịch đã gây áp lực lớn đối với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tạm ngưng kinh doanh vì không đủ điều kiện hoạt động theo những phương án phòng, chống dịch. Theo thống kê từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho thấy số lượng doanh nghiệp vùng ĐBSCL trong 11 tháng giảm 15%; số vốn đăng ký giảm 23%. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so sánh với số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động thì qua 11 tháng toàn vùng ĐBSCL có hơn 1.400 doanh nghiệp. Trong quý III năm 2021, xuất khẩu của vùng ĐBSCL giảm tới 27% so với cùng kỳ.

1-1-1639146827.jpg
Nhiều doanh nghiệp ĐBSCL phải rời khỏi thị trường bởi ảnh hưởng dịch Covid-19

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ các doanh nghiệp đang bước vào sản xuất, dần lấy đà phục hồi. Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp là tình trạng thiếu lao động từ 10% đến 20% và việc phục hồi năng suất đạt từ 70 - 80% so với trước dịch. Nguyên nhân của vấn đề là thiếu nguồn nguyên liệu.

Dự báo năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam và vùng ĐBSCL. Vì thế, để doanh nghiệp phục hồi và thích ứng trong tình hình hiện nay, các bộ, ngành cần có gói giải pháp hình thành quỹ để bù lãi suất cho hệ thống ngân hàng, để có thể giảm chi phí, vốn cho các doanh nghiệp và việc tái cơ cấu lại nợ, duy trì những nhóm nợ để cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn. Cùng với đó phải tính toán đến nguồn tín dụng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thiện hệ thống giao thông, logistics để giảm chi phí vận tải. Bên cạnh sự hỗ trợ từ trung ương các doanh nghiệp cần hướng đến các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA và khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu để bắt nhịp đà phục hồi tăng trưởng của thế giới.