NLNTV- Sáng 4-12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp”. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của 300 đại biểu tham gia trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ ngành, viện, trường, doanh nghiệp nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua doanh nghiệp Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt - là cán bộ cấp chiến lược tại các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò then chốt trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Chính vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tại doanh nghiệp Nhà nước đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về: Chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước về số lượng, năng lực, trình độ chuyên môn, lãnh đạo, điều hành, phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước…
Nhiều ý kiến cho thấy có các vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ tại doanh nghiệp Nhà nước, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.
Trong đó có thể kể đến một số vấn đề nổi bật như: Việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay, đúng như đánh giá của Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng nêu: “Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực”; “Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách phù hợp”.
Một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống như Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước hay Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đề ra chủ trương “Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”...
Sau hội thảo, các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các bộ, ngành, doanh nghiệp Nhà nước, chuyên gia và các nhà khoa học sẽ được Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu để hoàn thiện Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào năm 2022.
Tin, ảnh: DUNG VŨ