Cần lưu ý điều gì khi cúng ngày rằm tháng Giêng, khung giờ đẹp để cúng?

Đinh Thảo
Người Việt ta có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay “cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” để nói lên tầm quan trọng của ngày Nguyên tiêu - 15 tháng 1 Âm lịch. Trong ngày này, các gia đình luôn sửa soạn mâm cỗ cúng đủ đầy để dâng lên gia tiên, thần linh.
di-chua-1708674931.jpg

Có thể cúng rằm tháng Giêng ở nhà hoặc ở chùa (Ảnh minh họa: Internet)

Ý nghĩa của ngày Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là lễ Thượng nguyên, Tết Nguyên tiêu… tính từ giữa đêm ngày 14 (đêm trước trăng rằm), ngày 15 (ngày rằm) cho đến nửa đêm 15 (đêm trăng rằm) của tháng giêng Âm lịch. Ngày rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024 năm nay rơi vào ngày 24/2 Dương lịch.

Ở Việt Nam, ngày rằm Tháng Giêng là dịp dân chúng lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điều lành. Các chùa thường tụng kinh Dược Sư và khuyên các Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới được an lành.

Lễ hội đêm trăng rằm hiện được nhiều nơi khôi phục truyền thống văn hóa cổ, tổ chức đêm Nguyên tiêu của Ngày thơ Việt Nam, hiện nay đã thành nếp sống thường xuyên ở nhiều địa phương. Đặc biệt ở những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Hội An, lễ hội trăng rằm có nhiều sinh hoạt đặc biệt.

Theo thuyết tam nguyên của Đạo giáo, rằm tháng Giêng là ngày kính Thiên Quan đại đế (Ngọc Hoàng) trong Tam quan đại đế của Đạo giáo. Tín ngưỡng của Đạo giáo thờ 3 vị thần: Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan hay còn gọi là Tam Nguyên (Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên).

Đức Thiên Quan (Ngọc Hoàng) là vị thần cai quản toàn bộ Thiên Đình, trông coi họa phúc của nhân gian. Các bản sớ cúng rằm tháng Giêng tiêu biểu thường ghi rõ ngày này là "Thiên Quan tứ phúc" (nghĩa là ngài Thiên Quan ban phúc).

Người Việt do chịu một phần ảnh hưởng của văn hóa Đạo giáo trong quá trình lịch sử nên dân gian Việt Nam cũng có tục cúng Rằm tháng Giêng hay lễ Thượng Nguyên.

Khung giờ đại cát để tiến hành lễ cúng Rằm tháng Giêng

Giờ Mão (5h-7h): Giờ Ngọc Đường rất tốt cho khởi sự mới, tiến hành các nghi lễ cầu cúng linh thiêng, sau này làm việc gì cũng được quý nhân tương trợ, nâng đỡ, đạt thành công ngoài mong đợi.

Giờ Ngọ (11h-13h): Giờ Tư Mệnh được xem là khung giờ đại cát để tiến hành cúng rằm tháng Giêng. Đây là thời điểm Phật giáng thế, nghiệm chứng lòng thành cho gia chủ, giúp công việc làm ăn thuận lợi, cuộc sống sung túc, bình an và hạnh phúc viên mãn.

Giờ Thân (15h-17h): Giờ Thanh Long rất tốt cho khởi sự. Tiến hành cúng rằm tháng Giêng vào giờ này thì mưu sự thuận lợi, nhất là việc kết hôn, thành gia lập thất lại càng viên mãn.

Những lưu ý khi cúng ngày Rằm tháng Giêng

Người cúng Rằm thì từ ngày 14 âm lịch, không ăn thịt chó, mèo, rùa, ba ba, rắn; không uống rượu rắn, rượu cao hổ cốt; không ăn tiết canh động vật, nhất là tiết canh rùa, ba ba. Mồm miệng thơm tho, sạch sẽ, không ăn tỏi, hành, mắm tôm, mắm tép. Trước khi làm lễ, người cúng nên uống chén trà thơm, tay rửa nước lá thơm, mắt xông lá trầu không.

Kiêng câu cá ngày trăng tròn. Người câu cá vào ngày Rằm sẽ gặp chuyện đen đủi.

Trước khi thắp hương cần lau dọn bàn thờ. Gia chủ có thể lau bụi, nhưng không được làm di chuyển bát hương. Cần ăn mặc chỉnh tề, lịch sự khi thắp hương.

Cúng rằm tháng Giêng ở nhà hay ở chùa đều được, nếu sắp xếp được thời gian, có thể tiến hành cúng cả hai nơi. Khi làm lễ ở chùa, cần chuẩn bị lễ chay dâng Phật, thánh, mục đích vẫn là cầu mong sức khỏe, bình an, gia đình hòa thuận, yên ấm, làm ăn tấn tới.

Về mâm lễ, sẽ tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế gia đình sẽ khác nhau. Đôi khi, lễ vật chỉ mang tính tượng trưng, không cần quá cầu kỳ, xa xỉ, quan trọng là thể hiện tấm lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên và tâm thiện, hướng về Phật, Thánh, thần linh.

Phương Thảo - TH