Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tóm tắt về tình hình công tác chuẩn bị cho Hội thảo, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 80 bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu… gửi về, và qua Hội đồng thẩm định chọn được 79 bài đưa vào kỷ yếu Hội thảo.
Ban Tổ chức đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật lựa chọn, biên tập và đang tiến hành in ấn Kỷ yếu Hội thảo.
Dự kiến Hội thảo sẽ diễn ra cả ngày 29/11 tới, chia làm hai phiên thảo luận: Phiên thứ nhất với chủ đề "Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới". Phiên hai có chủ đề: "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới". Trong khuôn khổ Hội thảo sẽ tổ chức trưng bày triển lãm sách và tài liệu với chủ đề "Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam".
Ông Nguyễn Minh Nhựt khẳng định, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị về nội dung, hậu cần, tuyên truyền cơ bản đã hoàn tất, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đây là dịp hiếm có để ngành Văn hóa được tiếp thu, lắng nghe các luận cứ khoa học để làm sâu sắc hơn về quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lĩnh vực văn hóa, trong đó có mong muốn làm rõ các nội hàm về hệ giá trị của quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của con người và gia đình. Từ đó, ngành có cơ sở tổ chức thực hiện và triển khai một cách đầy đủ, đúng như tinh thần chỉ đạo của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến công tác văn hóa, con người. Điều này được thể hiện rõ qua các Hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư đặc biệt chú trọng đến công tác này, cùng với đó, các đại biểu Quốc hội luôn tập trung thảo luận về vấn đề này…
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" và Hội thảo Hội thảo Văn hóa 2022 (diễn ra đầu tháng 12 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức) là hai sự kiện quan trọng nhằm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Nếu như Hội thảo Văn hóa 2022 đưa ra giải pháp thể chế hóa kịp thời đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi, phù hợp đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh mới, Hội thảo về 4 hệ giá trị quốc gia cụ thể hóa nội dung các thành tố của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đã được nêu trong phát biểu kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
Với ý nghĩa quan trọng đó của Hội thảo, do chỉ diễn ra trong một ngày, lại bàn thảo những nội dung rất rộng, trừu tượng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các bộ phận trong Ban Tổ chức Hội thảo rà soát, lên kịch bản chi tiết, cụ thể, đảm bảo những điều kiện tổ chức tốt nhất.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao việc Ban Tổ chức bên cạnh mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, con người tham gia viết tham luận, còn mời đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam viết tham luận và dự Hội thảo; cho đây là cách làm sáng tạo nhằm thu nhận những đánh giá của quốc tế về các hệ giá trị Việt Nam.
Nhất trí về nội dung cụ thể của các phiên thảo luận, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gợi ý Ban Tổ chức Hội thảo, bên cạnh phần trình bày tham luận, cần tổ chức các trao đổi bàn tròn để đưa ra, thảo luận những vấn đề thực tiễn cụ thể.
Về công tác hậu cần, kỹ thuật, nhấn mạnh Hội thảo được diễn ra dưới hình trực tiếp kết hợp trực tuyến với ba điểm cầu: Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý đảm bảo đường truyền dữ liệu, hình ảnh thông suốt.
Về công tác tuyên truyền cho Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí chủ lực tăng cường thời lượng phát sóng, dung lượng tin bài trước, trong và sau Hội thảo, trong đó nhấn mạnh kết quả Hội thảo, lan tỏa các nội dung cụ thể được bàn thảo tại Hội thảo đến đông đảo cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân.