Các địa phương than khó tuyển dụng cán bộ trẻ vào Nhà nước

Với cơ chế tuyển dụng như hiện nay rất khó để thu hút cán bộ trẻ vào hệ thống chính trị, thậm chí nhiều nơi 5 năm mới có 1 lần thi tuyển viên chức, công chức thì không còn cán bộ trẻ nữa. Các địa phương cho rằng, trong thời gian tới cần sớm có những quy định về phát triển, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ có năng lực.

Sáng nay (16/3), Ban Bí thư TW Đoàn phối hợp với Ban Tổ chức TW tổ chức Tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới” nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023).

toa-dam-1-1678953443.jpg
Toàn cảnh tọa đàm

Tỉ lệ cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn ít

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư thứ nhất TW Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, tính ở thời điểm tổ chức Đại hội đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025, tổng số cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp huyện và tương đương đạt tỷ lệ 14,40%; cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp tỉnh và tương đương là đạt tỷ lệ 6,71%.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa qua, tổng số cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ trúng cử đại biểu Quốc hội là 48/499 đồng chí, đạt tỷ lệ 9,62% so với tổng số đại biểu Quốc hội trúng cử. Tổng số cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 510/3.721 đồng chí, đạt tỷ lệ 13,71% so với tổng số Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trúng cử.

Tương tự, tỷ lệ này ở cấp huyện là 22,22%; cấp xã là 36,78%.

toa-dam-2-1678953443.jpg
Anh Bùi Quang Huy phát biểu khai mạc tọa đàm

Sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể đã tạo động lực, điều kiện thuận lợi để cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ phát huy khả năng, sở trường, cống hiến, trưởng thành, từ đó việc bố trí, sử dụng, điều động cán bộ thuận lợi hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ được quan tâm thực hiện từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, từng bước thực hiện việc chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn cán bộ trẻ cho Đảng và hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ Đoàn nói riêng và cán bộ trẻ nói chung vẫn còn những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Tỉ lệ cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn ít; năng lực cán bộ trẻ chưa đồng đều; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện… Một số khâu trong công tác cán bộ đối với cán bộ trẻ chưa được quan tâm chú trọng dẫn đến kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chia sẻ tại tọa đàm, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng đã gợi mở các đại biểu thảo luận, đề xuất những chính sách giúp phát triển cán bộ trẻ có năng lực nổi trội, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng có bước đi tốt hơn, thuận lợi hơn. Đồng thời, chính sách hỗ trợ cho thanh niên như lập thân, lập nghiệp, học tập, rèn luyện cũng cần được tiếp tục lưu ý, trong đó, có hai nhóm đối tượng thanh niên cần quan tâm hơn cả là lớp thanh niên ưu tú để động viên, cổ vũ họ phấn đấu, rèn luyện và lớp thanh niên khó khăn (vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật) để hỗ trợ họ có cơ hội bình đẳng với các nhóm thanh niên khác.

toa-dam-3-1678953443.jpg
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Tọa đàm

Nói về nội dung cần quan tâm trong quá trình xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đặc biệt nhấn mạnh một số yếu tố như nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ; đổi mới công tác quy hoạch, tạo đột phá trong công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, gắn trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị với nhiệm vụ phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ theo hướng chuẩn hóa gắn với quy hoạch, xây dựng một số chính sách đặc thù cho đối tượng này, song song với việc hoàn thiện cơ chế, tiêu chuẩn, thu hút, tạo nguồn, tuyển dụng, trọng dụng cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng, giao nhiệm vụ và thử thách, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Các cơ quan, đơn vị cần động viên cán bộ trẻ tự giác, tích cực, chủ động phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ để có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hà Nội chỉ tuyển được 10% thủ khoa

Thảo luận tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song hiện nay công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, còn mang tính “trồi sụt, thiếu bền vững”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ lãnh đạo trẻ, từ năm 2012 khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô, cho phép Hà Nội được thu hút nhân tài, thành phố đã ban hành Nghị quyết để trọng dụng nhân sự chất lượng cao như thủ khoa, tiến sĩ nghiên cứu tại nước ngoài có công trình ứng dụng thực tế, dược sĩ, bác sĩ giỏi, giáo viên giỏi cấp quốc gia, vận động viên, nghệ sĩ đạt huy chương vàng quốc gia, quốc tế, chuyên gia giỏi… Đến nay Hà Nội đã tuyển dụng được khoảng 200 thủ khoa về công tác tại thành phố, tương đương khoảng 10% thủ khoa.

Ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, 90% thủ khoa còn lại không chọn vào Nhà nước một phần do các chính sách đãi ngộ chưa thực sự thu hút, một phần do số nhân tài này ngay khi vừa tốt nghiệp đã được các trường đại học giữ lại làm giảng viên, nghiên cứu, các tập đoàn lớn săn đón. Con số 10% dù còn thấp song cũng là dấu hiệu đáng mừng.

Nói về giải pháp thu hút nhân tài trẻ vào khu vực Nhà nước, ông Phong nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, tiếp đó là cần công khai, chính trực trong chính sách tuyển dụng, với người trẻ điều quan trọng nhất là được thử sức, đánh giá đúng năng lực. Ngoài nhóm lãnh đạo trẻ trong khối cơ quan Nhà nước, Phó Bí thư thành ủy Hà Nội cũng cho rằng cần chú trọng quan tâm đến các nhóm nghiên cứu là người trẻ. Hiện nay một số trường đại học lớn đã yêu cầu 70% đề tài nghiên cứu cấp trường giao cho cán bộ trẻ.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Thành phố sẵn sàng thí điểm các chính sách về công tác cán bộ trẻ phù hợp với thực tiễn của Thủ đô. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, hiện nay đang quy định số lãnh đạo trẻ phải đạt 10%, tuy nhiên nhiều năm qua vẫn chưa địa phương nào đạt được mốc chỉ tiêu này. “Địa phương chưa bao giờ đạt được con số lãnh đạo trẻ chiếm 10%, nếu mãi quy định như vậy sẽ mang tính hình thức, nên giảm xuống còn 6-7%, nhưng phải duy trì tỷ lệ này suốt nhiệm kỳ. Cán bộ nữ nhiệm kỳ sau vẫn là cán bộ nữ, nhưng cán bộ trẻ qua 1 nhiệm kỳ đã không còn là cán bộ trẻ. Đối với cán bộ trẻ cũng cần mạnh dạn chấp nhận nguyên tắc có vào có ra, có lên có xuống, có luân chuyển. Cán bộ trẻ điều cần nhất là dấn thân và hoài bão, nhưng phải có sản phẩm cụ thể ở từng vị trí công việc”, ông Tuấn nói.

Bí Thư tỉnh ủy Bắc Ninh cũng cho rằng, với cơ chế tuyển dụng như hiện nay rất khó để thu hút cán bộ trẻ vào hệ thống chính trị, thậm chí nhiều nơi 5 năm mới có 1 lần thi tuyển viên chức, công chức thì không còn cán bộ trẻ nữa. Trong thời gian tới cần sớm có những quy định về phát triển, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ có năng lực.

Riêng với Bắc Ninh, ngay từ khi quy hoạch đã dành một hệ số dư nhất định để sắp tới rà soát bổ sung cán bộ trẻ vào các vị trí này./.