Bức tranh toàn cảnh về nhân lực ở Việt Nam: Nhiều điểm tích cực

Thị trường lao động của quý 1 năm nay đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ.
01-1651401251.jpeg
Công nhân sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh minh hoạ: Trần Việt/TTXVN)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1 năm nay ở Việt Nam là 51,2 triệu người (trong tổng dân số gần 99 triệu người), tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh toàn cảnh về nhân lực ở Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tích cực; đã xuất hiện những yếu tố góp phần làm tăng chất lượng nhân lực.

Những điểm sáng về lực lượng lao động

Lực lượng lao động trong quý 1 vừa qua ở Việt Nam đạt mức 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,9%, ở nông thôn là 69,5%. Số lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý 1 là 26,1%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng 132.200 người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,8%, tương đương 13,9 triệu người.

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp đã làm cho thị trường lao động quý 1/2022 khởi sắc hơn, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý 4/2021. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi của quý 1/2022 là khoảng 1,3 triệu người, giảm 135.200 người so với quý trước.

Thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động trong quý 1 là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường lao động của quý 1 năm nay đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ.

Trong quý 3/2021 thị trường lao động đã trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng. Đến quý 4/2021 thu nhập bình quân của người lao động có dấu hiệu cải thiện hơn, tăng khoảng 139.000 đồng so với quý 3.

Bước sang quý 1 năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tương ứng khoảng 110.000 đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216.000 đồng/người/tháng.

Trong quý 1/2022 thu nhập bình quân tháng của người lao động có sự gia tăng mạnh trong hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu so với quý trước.

Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ngay trong quý 1/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

Còn theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù bị tác động nặng nề của dịch COVID-19, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nước ta đã có sự khởi sắc trở lại từ tháng 12/2021 sau sự thay đổi nhanh nhạy của Chính phủ trong chiến lược chống dịch bệnh.

Trong tháng 12/2021 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã có sự gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 12/2021 là 11.221 cơ sở với số vốn đăng ký là 156.878 tỷ đồng, tăng 5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu so với tháng 8/2021 và tháng 9/2021 (thời điểm việc giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt nhất), số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2021 tăng lần lượt 94,8% và 187,8%; số vốn đăng ký mới tăng 130,9% và 151,3%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong tháng 12/2021 cũng cao hơn mức trung bình của tháng 12 trong giai đoạn 2016-2020 (10.273 doanh nghiệp).

Nỗi trăn trở về năng suất lao động

Trong hơn 20 năm qua lực lượng lao động ở Việt Nam đã có những sự biến đổi tích cực.

Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, phân tích vào năm 2000 có 65,3% lực lượng lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đến năm 2020, tỷ trọng hai phần ba thuộc lĩnh vực nông nghiệp đó đã giảm xuống còn 37,2%, tăng thêm lao động cho lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Trước đây lĩnh vực nông nghiệp tuyển dụng nhiều lao động nhất, sau hai thập niên lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp tuyển dụng số lao động gần tương đương nhau (lần lượt là 37,3% và 37,2%) và theo sát là lĩnh vực công nghiệp (25,5%).

Nhựng bà Valentina Barcucci cũng cho rằng Việt Nam khó áp dụng những thế mạnh từng giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp để đạt bước phát triển tiếp theo.

Ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực FDI hiện tại đã và đang là công cụ khởi đầu cho tăng trưởng kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, một nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, với đổi mới, sáng tạo và một lực lượng lao động có kỹ năng lại là cần thiết để đảm bảo nền kinh tế có thể phát triển hơn nữa.

Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để đạt được sự hiện đại hóa, công nghiệp hóa cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này cũng đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa.

Một yếu tố then chốt đóng góp cho sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong hai thập kỷ qua là sự chuyển dịch từ nông trại sang nhà máy. Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam đã gần chạm đến điểm cận biên để sự chuyển dịch này có thể tiếp tục góp phần tăng năng suất. Giờ đây vấn đề quan trọng là phải tìm kiếm các giải pháp mới để tăng năng suất lao động.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý 4 và năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho biết năng suất lao động của toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành ước đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020).

02-1651401251.jpg
(Ảnh minh họa. PV/Vietnam+)

Theo giá so sánh, năng suất lao động trong năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động với mức đóng góp bình quân giai đoạn 2016-2020 là 54,28%, trong đó đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này cao hơn đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Theo ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năng suất lao động Việt Nam dù đã được cải thiện trong giai đoạn 2016-2020, song vẫn bị tụt hậu, thấp so với nhiều nước trong khu vực, thua xa Singapore, Malaysia, Thái Lan hay cả Indonesia.

Những yếu tố làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp là cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó là xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp chưa cao; còn một số "điểm nghẽn" về cải cách thể chế và thủ tục hành chính…

Tăng chất lượng nhân lực - cơ sở để hy vọng

Năng suất lao động là một phần của chất lượng lao động nói chung.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thúy Quỳnh thuộc Viện Chiến lược và Chính sách tài chính của Bộ Tài chính, nguồn nhân lực luôn là một yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực.

Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Tuy nhiên, nhân lực còn yếu về chất lượng: thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động thiếu năng động và sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp…

Chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá thông qua nhiều yếu tố-trí lực, thể lực, dân số. Việc cải thiện trí lực phụ thuộc vào sự nâng cao trình độ giáo dục-đào tạo. Việc cải thiện thể lực phục thuộc vào tình trạng sức khỏe và y tế. Trong khi đó, quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số lại ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng và chất lượng lao động của mỗi quốc gia.

Dân số và sự chăm sóc y tế - sức khỏe có mối quan hệ mật thiết với nhau - điều kiện chăm sóc y tế có tốt, sức khỏe của người dân mới tăng cường, qua đó các chỉ số liên quan đến dân số như tốc độ tăng dân số - phản ánh gián tiếp tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử; tuổi thọ trung bình của người dân… sẽ được cải thiện hơn.

03-1651401251.jpg
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người già tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Khoa học và công nghệ có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm thay đổi quá trình tổ chức, trình độ chuyên môn và là động lực thúc đẩy người lao động không ngừng học hỏi, tự đào tạo, tự trao dồi kiến thức. Vì vậy, chúng ta cần đào tạo, bồi dưỡng thu hút các nhân tài nhằm tạo ra một đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa có năng lực giỏi phục vụ sự nghiệp cách mạng công nghiệp của đất nước

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực của Việt Nam đang ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2022 ở Việt Nam là 51,2 triệu người.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt Nam đã tăng từ 0,66 lên 0,69 điểm trong 10 năm 2010-2020. Chỉ số HCI của Việt Nam cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương có điểm cao nhất về HCI. Điều này phản ánh những thành tựu lớn trong giáo dục phổ thông và y tế trong những năm qua.

Theo Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu, chỉ số chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704, xếp vị trí 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990-2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng hơn 48%, từ 0,475 lên 0,704 điểm, thuộc các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2019 là 0,704 điểm, cao hơn mức trung bình 0,689 của các quốc gia đang phát triển và dưới mức trung bình 0,753 của nhóm Phát triển con người cao.

Ngoài ra, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cũng phân tích chất lượng phát triển con người dựa trên 14 chỉ số chất lượng y tế, giáo dục và tiêu chuẩn sống.

Về chất lượng phát triển con người, năm 2019, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn, nằm nhóm đầu trong 3 nhóm có nguy cơ thấp về mất sức khỏe (11,7%) và số giường bệnh khá cao (32 giường/10.000 dân); tất cả giáo viên tiểu học đều được đào tạo, điện khí hóa nông thôn đạt 100% dân số. Hầu hết các chỉ số này của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của các quốc gia đang phát triển, cũng như mức trung bình của nhóm Phát triển con người cao. Nguy cơ mất sức khỏe của Việt Nam ở vào diện thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực Đông Á-Thái bình dương; số giường bệnh/người đạt tỷ lệ khá cao so với các nước Đông Nam Á…

Xét một cách tổng quan, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt. Tất cả những yếu tố này đã góp phần nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian qua.

Năm 2020, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động), tăng 5,4% so với năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động tăng 5,78%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động tăng bình quân 5,07%/năm. Năm 2021 năng suất lao động của nước ta đạt 171,3 triệu đồng/lao động./.