Bỏ mức lương hưu tối thiểu sẽ làm “nghèo hóa” dân trong tương lai?

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã đề xuất giữ lại quy định về mức lương hưu tối thiểu hàng tháng nhằm hỗ trợ những người có tiền lương hưu quá thấp.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, đã đưa ra dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), quy định về việc bỏ mức lương hưu thấp nhất. 

tro-cap-huu-tri-1-1718179609.jpg
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã đưa ra dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Trước dự thảo luật mới đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp, không đảm bảo cuộc sống. 
Cụ thể, theo quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, việc giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển. Đồng thời, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng ngắn hơn so với quy định hiện nay được hưởng lương hưu thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tuy nhiên, do lương hưu hàng tháng được tính dựa trên: Thời gian đóng và mức tiền lương, thu nhập đóng bảo hiểm xã hội, nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%).
Bên cạnh đó, việc bỏ mức lương hưu hàng tháng thấp nhất cũng khiến nhiều người lao động băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng "nghèo hoá" của một bộ phận người dân trong tương lai.

luong-huu-1-1718184305.png
Bỏ mức lương hưu tối thiểu có thể dẫn đến "nghèo hóa" dân trong tương lai (Ảnh minh họa)

Trước những mối lo ngại đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, giữ lại quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất hoặc có phương án để cách tính lương hưu có tính chia sẻ nhằm hỗ trợ những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.
Tại các buổi lấy ý kiến góp ý của công đoàn về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) trước đó, đại diện công đoàn cơ sở có góp ý về việc đảm bảo công bằng tỷ lệ hưởng lương hưu giữa nam và nữ khi đề xuất giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm.
Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 64 dự thảo thì tuổi nghỉ hưu đối với nam cao hơn nữ 2 tuổi (nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi). Trong khi đó, tại Khoản 1 Điều 66 dự thảo quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng của nam lại cao hơn của nữ 5 năm (20 năm đối với lao động nam, 15 năm đối với lao động nữ) là chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng cho lao động nam. Vì vậy, đề nghị xem xét sửa theo hướng điều chỉnh mức hưởng lao động nam đóng 17 năm, nữ đóng 15 năm thì được hưởng 45% lương; nam đóng 32 năm thì hưởng đủ 75% lương. Điều này hướng tới công bằng và bình đẳng giới giữa nam và nữ.
 

Hương Trà (TH)