Bộ Công an hướng dẫn các loại pháo người dân được phép sử dụng

Để đón một năm mới an toàn, người dân cần phân biệt giữa pháo hoa và pháo nổ. Nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo.
bo-cong-an-huong-dan-cac-loai-phao-nguoi-dan-duoc-phep-su-dung-1707491693.jpg
 

Để đảm bảo an ninh, trật tự, bình yên khi Tết đến Xuân về, Bộ Công an thông tin và hướng dẫn đến người dân cần nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn trong quản lý và sử dụng pháo theo đúng quy định của pháp luật, như sau:

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo đã quy định rõ loại pháo không được phép sử dụng (nghiêm cấm) gồm: pháo nổ và pháo hoa nổ.

- Pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả...). Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

- Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc pháo, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Các loại pháo trên người dân không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng theo quy định).

Loại pháo người dân được phép sử dụng là Pháo hoa

Vì vậy, loại pháo người dân được phép sử dụng là Pháo hoa. Theo đó, Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng (đốt) phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Theo những quy định nêu trên, pháo hoa và pháo nổ đều là sản phẩm tạo ra hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian. Điểm khác nhau cơ bản là pháo nổ sẽ gây ra tiếng nổ, tiếng rít còn pháo hoa thì không gây ra tiếng nổ mà chỉ tạo ra các hiệu ứng âm thanh. Tất cả các loại pháo gây ra tiếng nổ đều không phải pháo hoa mà là pháo nổ hoặc pháo hoa nổ.

Để đón một năm mới an toàn, người dân cần phân biệt giữa pháo hoa và pháo nổ. Nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và lựa chọn mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.