Bi kịch của ‘cha đẻ’ ngành Hóa học hiện đại

Trong cuộc Cách mạng Pháp, giới cấp tiến đã tìm cách xóa bỏ mọi tàn dư của chế độ cũ. Bất chấp lời khẩn cầu được sống để tiếp tục đóng góp cho khoa học, Antoine-Laurent de Lavoisier bị hành quyết ở tuổi 50 chỉ vì ông là viên chức ngành thuế. Những thành tựu phi thường của ông đã bị lu mờ với kết cục bi thảm.

Ông là một nhà hóa học lỗi lạc người Pháp ở thế kỷ 18, được mệnh danh là "cha đẻ của ngành Hóa học hiện đại". Công trình của ông đã đặt nền móng cho các nguyên tắc chính, bao gồm định luật bảo toàn khối lượng và cách gọi tên các chất hóa học một cách có hệ thống.

Sinh năm 1743 tại Paris, Pháp, Lavoisier lớn lên trong một gia đình giàu có. Lavoisier học luật, tốt nghiệp Đại học Paris và được cấp giấy phép hành nghề luật sư năm 1764, nhưng niềm đam mê thực sự của ông lại dành cho khoa học tự nhiên.

Ông theo đuổi các nghiên cứu khoa học một cách độc lập và trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp khi mới 25 tuổi.

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Lavoisier là bác bỏ Thuyết nhiên tố thịnh hành vào thế kỷ 17. Vào thời điểm đó, người ta tin rằng một chất gọi là phlogiston đã được giải phóng trong quá trình đốt cháy, giải thích tại sao vật liệu cháy và kim loại tăng trọng lượng khi nung nóng.

Lavoisier đã chứng minh rằng quá trình đốt cháy không phải là sự giải phóng mà là một quá trình các chất kết hợp với oxy từ không khí. Phát hiện của ông đã dẫn đến việc công nhận oxy là một nguyên tố quan trọng trong quá trình đốt cháy.

Hệ thống của Lavoisier đã đặt nền móng cho danh pháp hóa học hiện đại, và nhiều cái tên mà ông đề xuất, chẳng hạn như Oxy và Hydro, vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

@nhanlucnhantai Bi kịch của ‘cha đẻ’ ngành Hóa học hiện đại #nlnt #nhahoahoc #cachmangphap #Lavoisier #nhahoahocloilac #nhantai #nhantaithegioi #nhantaiPhap #Oxy #Hydro ♬ nhạc nền - Nhân Lực Nhân tài Việt
Nhóm PV/NLNTV