Bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát trển bền vững du lịch xanh

Với lợi thế là thành phố du lịch nổi tiếng, Hội An coi việc “bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, làng quê sinh thái” là hướng đi đúng đắn và hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được biết đến là một thành phố du lịch, điểm đến yêu thích thuộc khu vực duyên hải miền Trung. Hàng năm, thành phố đón một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhiều hoạt động, mô hình, sản phẩm du lịch được đổi mới, sáng tạo nhằm đa dạng các sản phẩm du lịch địa phương, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Nổi bật là du lịch trải nghiệm nghề, làng quê, làng nghề sinh thái được địa phương hết sức quan tâm triển khai thực hiện.

Hội An với nhiều làng nghề truyền thống như: Làng mộc truyền thống Kim Bồng, Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế, nghề tre dừa Cẩm Thanh, nghề quất Cẩm Hà, nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm. Trong đó, nghề tre dừa Cẩm Thanh và nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.

bao-ton-va-phat-trien-nghe-lang-nghe-truyen-thong-hoi-an-3-1725424689.jpg
Vườn rau sạch Trà Quế tại TP Hội An

Trong những năm qua, bằng nguồn vốn ngân sách của Trung ương, tỉnh, địa phương và vận động vốn trong nhân dân, hạ tầng các làng nghề của thành phố được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu phát triển của làng nghề gắn với phát triển du lịch của địa phương. Các làng nghề không chỉ giải quyết lao động, nâng cao thu nhập của người dân từ nghề mà còn là những điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách, nhờ hoạt động du lịch các làng nghề được bảo tồn, phát triển một cách bền vững.

bao-ton-va-phat-trien-nghe-lang-nghe-truyen-thong-hoi-an-2-1725424689.jpg
Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (TP Hội An) biểu diễn tác phẩm điều khắc với khách du lịch

Thời điểm trước dịch covid-19 bùng phát, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh tại làng nghề rất hiệu quả: Làng gốm Thanh Hà đạt 6 tỷ đồng/năm; làng mộc Kim Bồng đạt 4 tỷ đồng/năm; làng rau Trà Quế đạt 10 tỷ đồng/năm; nghề tre dừa Cẩm Thanh đạt 12 tỷ đồng/năm; nghề quất Cẩm Hà đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Hiện tại, trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch covid-19, mặc dù lao động, doanh thu tại các làng nghề có sự sụt giảm so với trước nhưng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, hoạt động tại các làng nghề đã dần khởi sắc và có những chuyển biến tích cực.

Với lợi thế là thành phố du lịch nổi tiếng, có diện tích nhỏ, kinh tế mũi nhọn theo hướng dịch vụ - du lịch - thương mại, Hội An biết được vai trò quan trọng của giá trị văn hóa truyền thống nghề, làng nghề trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch địa phương, nên việc “bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, làng quê sinh thái” được xem là hướng đi đúng đắn và hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đây được xem là định hướng hữu hiệu để thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần khai thác lợi thế tài nguyên, văn hóa truyền thống của địa phương, tạo ra nhiều cơ hội cho các cơ sở sản xuất tại làng nghề có điều kiện phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ. Đối với thành phố Hội An, con đường đi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở được rút ngắn nhờ vào hoạt động du lịch và ngược lại sự phát triển của nghề, làng nghề truyền thống góp phần đa dạng, phong phú sản phẩm văn hóa, du lịch của thành phố; ông Đinh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An cho biết.

bao-ton-va-phat-trien-nghe-lang-nghe-truyen-thong-hoi-an-1-1725424689.jpg
Ông Đinh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An phát biểu tại Hội nghị Tổng kết cuộc thi tường đẹp, thôn văn hoá thành phố

Trong những năm quan, thành phố đã ban hành nhiều Nghị quyết, Phương án, Kế hoạch về “Xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái”; “Phát triển du lịch cộng đồng”... có những chính sách, hỗ trợ ưu tiên phát triển sản phẩm tại làng nghề trong các chương trình về khuyến công, OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, xúc tiến thương mại,... Nổi bật là năm 2023, TP Hội An đã được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và nghệ thuật dân gian. Đó là nỗ lực rất lớn của toàn thể chính quyền và người dân trên địa bàn thành phố, thế mạnh bản địa được khai thác, công tác bảo tồn, phát huy làng nghề đạt hiệu quả và được thế giới tôn vinh, công nhận. Trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thành phố hiện có 01 nghệ nhân nhân dân, 02 nghệ nhân ưu tú, 07 nghệ nhân cấp tỉnh và 13 thợ giỏi cấp tỉnh và gần 1.000 lao động, thợ thủ công đang hoạt động tại các nghề, làng nghề truyền thống.

Qua trao đổi, ông Đinh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An, cho biết: Hội An được xem là thị trường xuất khẩu hàng hóa tại chỗ đầy tiềm năng thông qua lượng khách quốc tế tham quan tại địa phương, nhất là tham quan trải nghiệm trực tiếp tại các làng nghề. Trong những năm qua được sự quan tâm, hỗ trợ từ tỉnh về cơ chế chính sách, xét công nhận nghề truyền thống, nghệ nhân, thợ giỏi cho đến các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối trưng bày, trình diễn nghề đã tạo động lực rất lớn cho địa phương mạnh dạn trong việc xây dựng các nội dung, chương trình liên quan đến bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

bao-ton-va-phat-trien-nghe-lang-nghe-truyen-thong-hoi-an-4-1725424689.jpg
Nghệ nhân, thợ giỏi TP Hội An tại Festival làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam năm 2024

Nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống là nhiệm vụ chung của cả chính quyền và người dân. Hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, tranh thủ, phát huy tối đa các nguồn lực vốn nhà nước, vốn đóng góp trong nhân dân để triển khai đồng bộ, gắn kết và hiệu quả. Yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong việc gìn giữ nghề, trong bối cảnh nhiều ngành nghề về dịch vụ - du lịch đang phát triển mạnh, có nhiều đãi ngộ như hiện nay, lao động gắn bó với nghề thủ công truyền thống ngày càng sụt giảm, vì vậy công tác đào tạo nghề, truyền nghề, phải ưu tiên đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó cùng cần phát huy tính tự lực, tự cường, sức mạnh nội sinh tại các cơ sở làng nghề thông qua việc tư duy luôn luôn sáng tạo, cải tiến mẫu mã, phát triển sản phẩm, mở rộng và kịp thời thích ứng với kinh tế thị trường.

Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tại các làng nghề, lao động giảm, doanh thu giảm, nhiều lao động chuyển đổi ngành nghề, đây là thực trạng đáng báo động. Vì vậy mỗi cơ sở làng nghề phải chú trọng phát triển sản xuất theo hướng thương mại hóa sản phẩm, không phụ thuộc quá nhiều vào các tác động bên ngoài, có như vậy cơ sở phát triển bền vững, từ đó làng nghề mới vững mạnh; Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm làng nghề phải được quan tâm, chú trọng để bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển bền vững du lịch xanh.

Phúc Đinh