Báo động tình trạng tội phạm đường phố ngày càng “trẻ hóa”

Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. Không chỉ trẻ hóa về độ tuổi mà hành vi phạm tội của nhóm đối tượng này cũng ngày càng nguy hiểm, manh động hơn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13 nghìn trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, coi là những “chiến tích” để khoe khoang, thách thức pháp luật. Thông qua mạng xã hội, các đối tượng dễ dàng lập nhóm, lôi kéo, rủ nhau tham gia thực hiện các hành vi phạm pháp.

Hơn 13 nghìn người chưa thành niên phạm tội mỗi năm là một con số rất đáng báo động. Có nghĩa là mỗi năm có đến hơn 13 nghìn người chưa thành niên phải đối mặt với việc bị xử lý bằng các hình thức khác nhau. Vấn đề nghiêm trọng hơn là tương lai của những người trẻ tuổi này đi về đâu? 

Thực tế, đã có rất nhiều thanh, thiếu niên vướng vào vòng lao lý sau khi phạm tội. Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội đang quản lý, giam giữ khoảng 2.500 can phạm nhân, trong đó có nhiều đối tượng đang thực hiện án phạt tù với tội danh gây rối trật tự công cộng. 
Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tam giam số 2, Công an TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều cháu ở độ tuổi thanh, thiếu niên sau khi thực hiện các hành vi phạm tội như: tổ chức đua xe trái phép, tụ tập đánh nhau, cướp giật…”

anh-thuong-ta-nguyen-xuan-nam-pho-giam-thi-trai-tam-giam-so-2-1721377732.jpeg
Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Giám thị Trại tạm giam số 2

Tội phạm đường phố liên quan rất mật thiết với các loại tội phạm thanh thiếu niên do các trường hợp này có độ tuổi còn trẻ nên hành động  mang tính chất bốc đồng và muốn thể hiện nơi đông người nên gần như không có ý thức về việc che dấu tội phạm. Số này thích thể hiện bản lĩnh và cái tôi cá nhân ở những nơi công cộng nên tất cả các vi phạm đều diễn ra trên đường phố và nơi tập trung đông người.

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam- Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 cho biết thêm: “Tội phạm đường phố phần lớn ở độ tuổi thanh thiếu niên – với tâm sinh lý bốc đồng, dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi các yếu tố, hình ảnh tiệu cực do mạng xã hội đem lại. Tuy vậy công tác giáo dục và tuyên truyền các đối tượng thanh thiếu niên trong việc sử dụng mạng xã hội còn rất hạn chế, các cháu tham gia mạng xã hội nhưng thiếu sự giáo dục, quản lý chặt chẽ từ phía gia đình và nhà trường”.

Nguyễn Văn N, 21 tuổi, hộ khẩu thường trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội là một trong những tội phạm đường phố đang thực hiện án phạt tù tại Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội. Trước đó, N cùng nhóm bạn tụ tập tại một quán nước thì “lời qua tiếng lại”, xảy ra mâu thuẫn với một nhóm thanh, thiếu niên khác. Cả hai nhóm đã hẹn nhau đến một địa điểm để giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. 

Nguyễn Văn N cho biết: “Lúc đó, bản thân tôi cũng không lường được hậu quả phải gánh chịu. Sau khi vướng vào “vòng lao lý” thì tôi cảm thấy rất hối hận. Tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình, tiếp tục con đường học hành”.

anh-nguyen-van-n-dang-thuc-hien-an-phat-tu-tai-trai-tam-giam-so-1721377986.jpeg
Nguyễn Văn N đang thực hiện án phạt tù tại Trại tạm giam số 2

Nguyễn Văn N đang là sinh viên của một trường Cao đẳng tại Hà Nội. Nhưng hiện nay, N đã phải tạm dừng việc học để thực hiện án phạt tù - trả giá cho hành vi bồng bột trước đó. Từ câu chuyện của bản thân, Nguyên Văn N khuyến cáo các bạn trẻ cần sống lành mạnh, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

“Bản thân mình phạm tội thì mình phải chịu hình phạt và gia đình cũng phải gánh chịu rất nhiều áp lực. Tôi hy vọng các bạn trẻ (thanh, thiếu niên) sẽ không làm bố, mẹ phải khóc giống như người thân của tôi khi biết tôi phạm tội” - Nguyễn Văn N chia sẻ. 

Để làm giảm vi phạm của các đối tượng thanh thiếu niên cũng như tội phạm đường phố, lực lượng chức năng các địa phương, nòng cốt là lực lượng công an đã tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng nhức nhối này còn cần sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể đặc biệt là các tổ chức Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nhà trường cũng như sự vào cuộc rất quan trong từ phía gia đình. Bởi lẽ các cháu đều ở lứa tuổi còn rất trẻ nên việc kịp thời quan tâm, động viên cũng như giáo dục các cháu ngay từ các vi phạm nhỏ tránh để bị trượt dài vào các vi phạm lớn./.

Mạnh Sáu