Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho một bệnh nhân nữ 56 tuổi, bị ngộ độc sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa. Trước đó, người này có ăn 2 miếng bỏng ngô do con mua trên mạng và thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Sau quá trình điều trị, hiện người bệnh đã qua cơn nguy kịch.
Trường hợp vừa nêu chỉ là một trong rất nhiều vụ ngộ độc do sử dụng phải thực phẩm chứa ma túy được ghi nhận trong năm nay. Vừa qua, Công an Hà Nội phát hiện, thu giữ một số loại ma túy được ngụy trang dưới dạng chocolate ghi nhãn hiệu Chill Max bán công khai trên mạng xã hội. Có 5 người đã nhập viện điều trị sau khi ăn phải sản phẩm này. Mới đây, cơ quan chức năng cảnh báo bánh Lazy Cakes có tẩm cần sa, nguy cơ cao gây suy hô hấp tạm thời.
Theo Bộ Công an, ma tuý núp bóng dưới dạng bánh ngọt, kẹo, đồ uống,... đã được du nhập vào nước ta khoảng 4 năm nay. Gần đây, các sản phẩm chứa ma túy được các đối tượng đẩy mạnh mua bán hơn, người sử dụng chủ yếu là giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên. Điều này để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Người sử dụng phải sản phẩm chứa ma túy có thể bị ngộ độc với các biểu hiện suy hô hấp tạm thời, khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man. Đó là những hậu quả nguy hiểm trước mắt, còn hệ lụy lâu dài rất khó lường. Trong đó, người sử dụng thực phẩm chứa ma túy thường xuyên sẽ bị giảm khả năng nhận thức và học hành, giảm quá trình hồi phục trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm chức năng điều hành (giảm kiểm soát nhận thức và hành vi),...
Nguy hiểm là vậy nhưng việc kiểm soát các loại thực phẩm chứa ma túy đang gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các đối tượng lập fanpage, nick ảo,... trên các trang mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm chứa ma túy và chỉ nhận thanh toán trực tuyến nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt. Ngoài ra, việc kiểm định các mẫu ma túy cũng rất khó khăn, chỉ có một số đơn vị lớn như Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) có đủ trang thiết bị kiểm định các mẫu nghi ngờ chứa ma túy, còn các phòng kỹ thuật ở địa phương chưa thể thực hiện. Vì vậy, các vụ án có mẫu ma túy là những vụ án khó, đa số thực phẩm được cảnh báo có chứa chất gây nghiện nguy hại này là khi đã có người sử dụng dẫn đến ngộ độc.
Từ thực trạng tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi, biến tướng với nhiều hình thức, Bộ Công an khuyến cáo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tác hại của ma túy và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy. Thứ hai, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là sản phẩm được vận chuyển từ nước ngoài, từ đó sớm phát hiện và cảnh báo đến cộng đồng về những sản phẩm chứa ma túy. Thứ ba, công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường phối hợp với nhà trường, hộ dân tăng cường biện pháp phòng chống tội phạm ma túy.
Trong phòng chống tác hại của ma túy nói chung và cần sa trong thực phẩm nói riêng, nhận thức, ý thức của mỗi người dân rất quan trọng. Người dân không nên sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc; cần báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất về nghi vấn việc mua bán các loại thực phẩm, nước uống có chứa chất ma túy. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các em tránh xa chất gây nghiện này. Các trường học cần có những áp phích để tuyên truyền cho học sinh nhận biết các loại ma túy được “ngụy trang” dưới những món ăn, thức uống. /.