Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương:
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Trên cơ sở mục tiêu của đề án, giai đoạn 2022-2025, các cơ quan chức năng cần tư vấn miễn phí nhiều mặt cho 100% người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng nếu họ có nhu cầu; bảo đảm 80% số lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm được giới thiệu việc làm miễn phí; đến giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ lao động thất nghiệp có nhu cầu được giới thiệu việc làm đạt ít nhất 90%..., Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch, tăng cường phối hợp phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan (nếu có). Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ chủ yếu quản trị thị trường lao động, Sở tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo:
Hoàn tất kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu bảo hiểm thất nghiệp
Giai đoạn 2016-2021, thành phố Hà Nội có 2.801.675 người lao động được tư vấn việc làm, 318.920 lao động được giới thiệu việc làm và 114.175 lao động được nhận việc làm. Phát huy những kết quả đạt được, từ mục tiêu của Kế hoạch số 05/KH-UBND, đến giai đoạn 2026-2030, 90% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu (cho đến khi phải thu phí), trong đó, có 70% được giới thiệu việc làm thành công, Trung tâm sẽ hoàn tất kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu bảo hiểm thất nghiệp với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội. Ngoài ra, phấn đấu 100% nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu; tăng tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng lên 20%...
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng:
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chính sách
Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ quan trọng đối với người lao động, doanh nghiệp, mà còn giúp ổn định kinh tế - xã hội. Do vậy, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030” là hết sức cần thiết, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội. Trên cơ sở mục tiêu của Kế hoạch số 05/KH-UBND, quận Thanh Xuân tập trung chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách này. Đặc biệt, những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được hỗ trợ giới thiệu học nghề theo quy định, bảo đảm quyền lợi người lao động.
Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn:
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Những năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định hiệu quả trong việc bảo đảm ổn định thu nhập của một bộ phận người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động. Từ mục tiêu của Kế hoạch số 05/KH-UBND là phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 85%, huyện Ứng Hòa sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường tuyên truyền và thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia, mở rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm góp phần xây dựng thị trường lao động chất lượng cao, có tính cạnh tranh và vận hành minh bạch, hiệu quả.
Chị Trần Thị Nhung, lao động thất nghiệp ở thôn Vệ, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh):
Để không bị bỏ lại phía sau
Khi Luật Việc làm có hiệu lực, số người được hỗ trợ học nghề tăng qua từng năm; tuy nhiên, so với tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp thì số lượng người được hỗ trợ học nghề chưa cao. Hơn nữa, thời gian hỗ trợ học nghề ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên. Mặt khác, tại một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, ít cơ sở dạy nghề... Do vậy, tôi mong cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương cùng vào cuộc để hiện thực hóa Kế hoạch số 05/KH-UBND, giúp lao động thất nghiệp không bị bỏ lại phía sau.