Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh muốn đổi môn học phải đợi đến hết năm học, không được chuyển giữa năm, tuy nhiên thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: “Vấn đề đặt ra với trường là sẽ bố trí giáo viên dạy các em như thế nào trong dịp hè khi đây là thời gian nghỉ của thầy cô. Ai là người trả lương cho giáo viên? Bên cạnh đó, việc dạy bù đắp kiến thức của cả một năm học trong vài tháng hè có bảo đảm chất lượng hay không cũng là câu hỏi khó”.
Dù học sinh chưa đăng ký chính thức nhưng thầy giáo Nguyễn Quốc Bình cho biết hiện có hơn 10 em muốn chọn lại môn. Các em không học môn học này ở lớp 10 nhưng lại muốn học tiếp ở lớp 11 là một thách thức lớn với chính học sinh và nhà trường.
Đây cũng là băn khoăn của thầy giáo Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Theo thầy giáo Lê Văn Dỵ, về lý thuyết là 3 tháng hè nhưng trên thực tế sẽ chỉ có khoảng hai tháng. “Các em học trong 9 tháng ròng rã nhiều môn còn khó khăn. Một môn học dù học liên tục trong suốt hai tháng cũng khó bảo đảm kiến thức, trong khi có em chọn học lại không chỉ một môn”, thầy Dỵ phân tích.
Chia sẻ với các trường về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay Bộ không yêu cầu các trường phải tổ chức dạy học lại kiến thức lớp 10 trong thời gian hè cho các học sinh muốn đổi môn học. Các em phải tự học.
“Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ học sinh phải cam kết tự học để bảo đảm kiến thức, kỹ năng của môn học đó để đủ khả năng học tiếp ở lớp 11. Nhà trường, giáo viên chỉ có vai trò hỗ trợ đồng thời kiểm tra xem em có thực hiện đúng cam kết hay không. Học sinh phải chủ động lên kế hoạch tự học và hỏi giáo viên bộ môn những nội dung chưa hiểu”, ông Thành cho hay.
Cũng theo ông Thành, tự học là kỹ năng quan trọng ngay cả trong chương trình học chính khóa, thầy cô giáo chỉ có vai trò hướng dẫn, gợi mở. Học sinh có rất nhiều học liệu để tra cứu, tự học. Nội dung kiến thức đã được trình bày sẵn trong sách giáo khoa.
Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy, thầy giáo Lê Văn Dỵ cho rằng điều này không thuyết phục. “Thứ nhất, nếu học sinh có thể tự học và hỏi giáo viên khi cần thì có lẽ không cần đến hệ thống nhà trường. Học sinh thậm chí có thể không biết mình phải hỏi gì. Thứ hai, nếu học sinh hỏi giáo viên và nhờ cô giảng thì giáo viên phải dạy lại bài đó. Giáo viên có thể hỗ trợ học sinh giảng 1-2 bài, nhưng không thể hỗ trợ giảng lại cho học sinh cả chương trình lớp 10”, thầy Dỵ chia sẻ và cho rằng dù các em chính là người quyết định chọn môn học nhưng đẩy toàn bộ trách nhiệm cho học sinh không phải là cách làm của giáo dục.
Cũng theo lãnh đạo các trường, việc sẽ kiểm tra kiến thức lớp 10 khi tự học của các em như thế nào cũng là vấn đề cần được xem xét kỹ. “Chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể hơn của Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này”, thầy giáo Đào Ngọc Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Đông, Hà Nội) nói.