Theo Tiến sĩ Jonathan London, giáo sư người Mỹ thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của ĐH Hong Kong, thời gian gần đây, Việt Nam nhận được nhiều lời khen ngợi vì những thành tích vượt bậc trong việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục phổ thông khi những số liệu cho thấy tỉ lệ người dân được phổ cập giáo dục tương đương các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, những chính sách nhằm nâng cao kỹ năng thực tế cho lực lượng lao động tại quốc gia Đông Nam Á này tỏ ra chưa hiệu quả.
Đây thực sự là bài toán khó. Hiện tại, lực lượng lao động giá rẻ vẫn được coi là lợi thế cạnh tranh tạm thời của Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là cơ sở vững chắc để tái cơ cấu và duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả cũng như cải thiện mức sống cho người dân. Để đạt được hai mục tiêu này, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển hướng sang các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ năng và có năng suất cao cũng như phải tạo ra nhiều việc làm được trả lương cao hơn. Điều này đòi hỏi một nguồn cung lao động có kỹ năng thật dồi dào. Điều này là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy trong năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở nước này chỉ chiếm 27% lao động cả nước. Đây là một con số tương đối thấp, được coi là “rào cản” đối với lao động trẻ Việt Nam trong thị trường việc làm.
Để tạo ra lực lượng lao động kỹ năng cao đáp ứng đủ yêu cầu, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp sau:
Các cơ quan hữu trách của Việt Nam như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần tăng cường hoạt động giám sát, hỗ trợ và mở rộng công tác đào tạo đại học và giáo dục dạy nghề trong các lĩnh vực mới mà bản thân nước này cũng như các doanh nghiệp quốc tế đang khát lao động. Các quốc gia có thu nhập cao hiện nay đều sở hữu một hệ thống dạy nghề tốt, đào tạo thường xuyên ra các lứa kỹ thuật viên có tay nghề cao, được chứng nhận ở quy mô toàn cầu.
Đối với giáo dục Đại học, cần tập trung nguồn lực nhiều hơn về mảng kỹ năng thực tế thay vì lý thuyết như hiện nay cũng như khuyến khích các cơ sở đào tạo mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài uy tín. Hiện các chương trình liên kết của Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT), Đại học Arizona, hay các sáng kiến thuộc khuôn khổ Chương trình Hợp tác Việt-Đức về đạo tạo nghề tại Việt Nam là những hoạt động điển hình cho những nỗ lực hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp hướng đến nhu cầu thiết thực của thị trường lao động. Trong nước, Đại học FPT của Việt Nam và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng là những minh chứng thành công, có thể trở thành những trung tâm đào tào kỹ năng chính cho lực lượng lao động Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam cũng nên căn cứ vào nhu cầu thực tế của các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước để điều chỉnh nội dung các giáo trình giảng dạy đại học và dạy nghề cho phù hợp xu thế và tránh lãng phí nguồn lực như các quốc gia có thu nhập cao đã làm. Để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể với sự phối hợp hiệu quả hơn từ từ các cơ quan, bộ, ban ngành hữu trách khác nhau. Chính sách cần được xây dựng trên cơ sở khảo sát nhu cầu nhà tuyển dụng, phải thiết thực với các ngành, tạo được mối quan hệ giữa hệ thống giáo dục và ngành cũng như đưa ra các điều chỉnh kịp thời để khuyến khích nâng cao kỹ năng trong các ngành lao động chính.
Bên cạnh việc đưa ra cac chính sách về đầu tư vốn, Chính phủ Việt Nam cũng cần tập trung nỗ lực để gia tăng năng xuất và nâng cấp nền công nghiệp. Việc thúc đẩy gia tăng nhu cầu việc làm cần phải đi đôi với các chính sách nâng cao kỹ năng cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Phép toán rất đơn giản. Việc trang bị cho người lao động Việt Nam các kỹ năng phù hợp sẽ giúp nươc này nâng cấp ngành nghề, gia tăng năng suất, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược và gia tăng việc làm có thu nhập, qua đó cải thiện mức sống. Mặc dù nhiều sáng kiến đang được triển khai, nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ và hiệu quả chưa cao. Để có hiệu quả hơn, Việt Nam cần có hướng đi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng như cần sự quyết tâm hơn nữa trong việc huy động cả hệ thống chinh trị vào cuộc.