Tuy nhiên, ngành Giáo dục các địa phương mới tuyển được 140 giáo viên. Số còn lại chủ yếu là giáo viên Mầm non, Tiểu học và các môn tiếng Anh, Thể dục, Nhạc, Họa không tuyển dụng được do không có nguồn.
Bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết thêm, trong khi đó, giai đoạn 2021 - 2026, tổng số biên chế ngành Giáo dục phải thực hiện tinh giản là 1.633 người. Đến nay, địa phương đã thực hiện tinh giản 174 người. Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung viên chức sự nghiệp giáo dục của cả tỉnh lớn hơn biên chế trống được tuyển dụng trong giai đoạn 2022 - 2026 nhiều lần.
Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đề nghị, UBND tỉnh giao kinh phí dựa trên số biên chế được giao để các đơn vị chủ động; có giải pháp đào tạo nguồn giáo viên theo chuẩn Luật Giáo dục 2019 tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh tạo thuận lợi cho sinh viên theo học ngành Sư phạm tại địa phương... Khắc phục khó khăn do thiếu giáo viên, các địa phương đang áp dụng biện pháp tạm thời như: điều phối lại giáo viên; sắp xếp lại thời khóa biểu; giữ giáo viên, tinh giản nhân viên; sát nhập, dồn các trường, lớp để tinh giản biên chế…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tính toán lại định mức giáo viên/lớp theo quy định để có phương án hướng dẫn các địa phương cho phù hợp. Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo cần bàn bạc, xem xét chia sẻ khó khăn về biên chế giáo viên cho các địa bàn "nóng", điển hình như thành phố Vũng Tàu trên cơ sở tính toán lại định mức giáo viên/lớp.
Đồng thời, UBND tỉnh giao các sở, ngành có liên quan nghiên cứu phương án thực hiện tự chủ tài chính, xã hội hóa, hợp tác công tư… trong lĩnh vực giáo dục; từ đó thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Về vấn đề còn chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không có nguồn, UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo rà soát lại để có giải pháp tuyển dụng cho từng môn học, ưu tiên những môn học đang thiếu giáo viên trầm trọng. Khi thực hiện phân cấp trong tuyển dụng, các địa phương cần chủ động triển khai bảo đảm chất lượng.