8 con người trong mái nhà khổ đau cùng cực

Người mẹ đã khóc cạn nước mắt, những đứa con cũng dở dang ước mơ tới trường. Đêm đêm, người phụ nữ khốn khổ vẫn có những nỗi niềm lo lắng về một tương lai u ám tối đen như đời Chị Dậu.

Cứ ngỡ rằng “chị Dậu” chỉ là một trong những nhân vật trong tiểu thuyết Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, nhưng nào ngờ giữa mảnh đất Phú Hòa (Phú Yên) này lại có một cuộc đời “chị Dậu” khác, có phần còn khổ hơn chị Dậu của Ngô Tất Tố nữa. Khi nghe câu chuyện về cuộc đời chị từ một anh bạn đồng nghiệp, tôi tìm về nhà chị tại ở thôn Phú Lộc (xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên) để được mục kích...

Cùng cực những phận người

2-1652070990.jpg
Sự sống của cả nhà chỉ trông vào nồi bánh ít, bánh nậm hằng ngày mang bán dạo của chị Xuân

Người phụ nữ đó có cái tên thật đẹp là Nguyễn Thị Thanh Xuân (35 tuổi), nhưng chẳng thể ngờ cuộc đời chị lại khốn cùng và gặp nhiều tai ương cùng lúc đến như vậy. Gặp tôi một cách bất ngờ, người phụ nữ với nước da ngăm đen, gương mặt buồn khổ và già hơn so với tuổi 35 của chị. Đôi bàn tay thô ráp, sần sùi bởi cuộc đời đầy khốn khổ của chị.

Trong căn nhà tuềnh toàng không có một thứ gì đáng giá, chị bảo là của bà ngoại thứ cho mấy mẹ con ở nhờ lâu nay, chứ chị chẳng có nhà. Trò chuyện với tôi, chị cố ngăn những dòng nước mắt tủi cực của số phận. Ngồi chung quanh chị trên chiếc chiếu cũ nát làm chỗ tá túc, mấy đứa con chị cứ lẳng lặng nghe lời chị nói. Chúng chưa đủ lớn để hiểu những nỗi khổ cực của người mẹ như chị nên cứ chí chóe tranh giành nhau mấy chiếc kẹo chúng tôi mang tới làm quà. Nói về thân phận mình, chị không khỏi ứa nước mắt: “Cuộc đời có ai khốn khổ như tui không chứ! Chừng này tuổi đầu rồi mà không có nổi một mái nhà che mưa nắng, không có nổi một đồng lận lưng để phòng lúc trái gió trở trời. Thi thoảng được bà con chòm xóm giúp, chứ nếu không mấy mẹ con tui không biết làm sao nữa!”

4-1652070989.jpg
Bà ngoại thứ và đứa con út của chị Xuân, chồng chị mất khi mang bầu đứa con này

Một nách 5 đứa con, một mình chị bây giờ phải lo xoay xở. Chị bảo, lo cái ăn còn không đủ, nào dám mơ ước gì hơn. Kế sinh nhai của chị chỉ là gói từng cái bánh ít làm từ bột sắn, cái bánh nậm, gọt từng trái thơm, dậy sớm thức khuya mang đi bán dạo. Được đồng tiền lời lãi nào lại mua gạo mua mắm để cả gia đình cùng ăn qua bữa. Căn nhà của ông bà ngoại thứ, chị vừa nuôi 5 đứa con, lại chăm sóc cho ông bà ngoại thứ nay cũng đã già. Cả gia đình 8 miệng ăn chỉ trông chờ vào rổ bánh bánh ít, bánh nậm của chị. Ngày mưa cũng như ngày nắng, mùa khô cũng như mùa bão chị đều phải gồng gánh hết thảy công việc trong nhà và chăm cho 7 người khác. Trong khi, ngay bản thân chị cũng bị hỏng một con mắt. Khi nói chuyện, chị cứ cụp đôi mắt ầng ậng nước của mình xuống, chị bảo sợ người ta nhìn thấy người ta sợ. Tiền thuốc tiền khám bệnh chị không để dành nổi một đồng cho mình, bởi lũ con còn quá nhỏ, bởi ông bà ngoại thứ đã già, lại bệnh tật triền miên. Chị không để dành được một chút gì cho mình cả.

Tôi nhìn quanh căn nhà của chị, gọi là nhà nhưng mùa mưa gió thốc, mưa tạt lạnh ngắt. Mùa khô thì nắng nóng, bụi bặm phủ đầy. Mấy mẹ con chị cứ hết mùa mưa lại tới mùa không chống chịu với cái lạnh, rồi cái nóng miền trung này để âm thầm sống, âm thầm tồn tại trong sự phát triển của phố thị xô bồ ngoài kia. Tôi để ý mãi, mấy lần định hỏi chuyện về người đàn ông trong nhà. Biết ý tôi, đôi mắt chị lưng tròng khi nghe nhắc đến chồng. Cách đây hơn 1 năm, chồng chị đi hái xoài thuê để bán không may vướng vào dây điện tử nạn. Lúc ấy, chị đang mang bầu đứa con út được 3 tháng. Chị đón chồng bằng nỗi đau không cất nổi thành lời. Nhà nghèo, không có tiền mua quan tài, may nhờ bà con chòm xóm gop góp mỗi người một ít, để anh yên ổn mộ phần. Còn chị, bắt đầu chuỗi ngày khốn khổ cùng cực từ đó.

5-1652070990.jpg
Chị Xuân cùng các con gói bánh chuẩn bị hấp để mang bán

Lời đồng vọng cho một kiếp người

Một mình chị chịu đựng không biết bao nhiêu tủi cực để làm lụng, nuôi nấng 5 đứa con có đủ bữa ăn hàng ngày. Khi chị nói chuyện với tôi, không biết bao nhiêu lần chị phải lấy tay lau những dòng nước mắt chảy dài. Chị bảo đã bấy lâu chị không khóc được vì không còn đâu nước mắt nữa để rơi. Mà có khóc cũng chẳng làm được gì nữa. Phải mạnh mẽ lên mà sống! Nhưng dẫu có mạnh mẽ đến đâu, chị cũng là phận đàn bà. Chị nhiều lần khóc cạn nước mắt, có lúc lại cười ngây ngô như một đứa trẻ trước đau thương của cuộc đời mình. Có lúc, chị nghĩ quẩn đã muốn tìm tới cái chết, nhưng rồi nhìn đứa con chưa đầy 1 tuổi, nhìn đàn con ngủ trong đêm chen chúc trên chiếc chiếu rách mà cứ thon thót giật mình, chị lại bỏ ý nghĩ bi phẫn ấy. “Ban ngày thì em mong cho trời đừng tối để em còn có thời gian kiếm tiền , tối về em lại mong cho trời mau sáng để đi làm kiếm tiền. Có nhiều lúc mệt cũng chẳng cho phép mình nghỉ, vì nếu nghỉ rồi một đàn con và ông bà ngoại 8 người lấy đâu mà lo!”, chị lau nước mắt từ đôi mắt không lành lặn của mình, cả không gian như chùng xuống, vì lâu lắm rồi chị mới khóc, khi có người hỏi chuyện và chạm đúng vào nỗi đau lâu ngày của chị.

Ngoài con mắt một bên bị hỏng, chị cũng mang trong mình căn bệnh trĩ vì ăn uống kham khổ. Có những lúc bị nặng, máu chảy nhiều nhưng chị căn răng chịu đựng. Bây giờ, con mắt còn lại có lúc lại bị mờ vì khóc và suy nghĩ mất ngủ nhưng chị chẳng dám đi khám, chị vẫn giấu lũ trẻ điều đó vì sợ chúng lo lắng.

8-1652070989.jpg
Người phụ nữ cùng cực trong nỗi khổ, một bên mắt đã hỏng, mắt còn lại cũng có nguy cơ, lại mang trong người nhiều căn bệnh

Con gái của chị năm nay đã bắt đầu vào cấp 3, nhưng bây giờ không cha không nhà, cô bé đau khổ từ bỏ ước mơ tiếp tục đến trường, được học lên cấp 3, được mặc chiếc áo dài trắng , thực hiện ước mơ để thoát cảnh nghèo khó như ba mẹ. Thương mẹ, thương em, cô bé giành những công việc cực nhọc để mẹ có phút nghỉ ngơi. Đôi tay thoăn thoắt lau lá, gói bánh, nhưng đôi mắt cô bé đượm buồn khi hỏi đến chuyện học. Cô bé bảo: “Con chỉ mong mẹ bớt bệnh, mấy đứa em khỏe mạnh, có lúc em thấy mẹ đau mà vẫn gắng đi làm, thương lắm mà không giúp chi được!”, nói rồi, cô bé bật khóc. Và, cả hai mẹ con cùng ôm nhau khóc.

Tôi ngồi trong nơi được gọi là “nhà” của chị, chỉ có manh chiếu để ngủ trên nền nhà khi đêm về và thùng áo quần cũ mèm, rách nát tả tơi. Nhưng chị bảo với chị, có được chỗ ở như thế này vẫn còn may mắn lắm rồi, bởi nhiều nơi khác có khi còn tệ hơn, không che nổi mưa to, nắng gắt. Nhìn lũ trẻ, tôi không khỏi ngậm ngùi cho mẹ con chị. Chị Xuân thổn thức: “Anh thấy đó, tui chẳng có chi hết. Hàng ngày tui phải làm bánh rồi đi bán, rảnh thì đi làm thuê kiếm tiền mua gạo, mắm. Việc chi tui cũng làm được hết dù có cực nhọc tới đâu. Thế nhưng có khi không có việc, chẳng biết lấy đâu ra tiền, cả mấy má con lại phải nhịn ăn qua bữa. Áo quần của tụi nó đang mặc cũng nhờ bà con, chòm xóm thương tình họ cho đồ cũ đấy chứ. Nhiều lúc tui khổ tâm lắm, vì mình làm mẹ nhưng lại để con cái đói rách như thế này. Tội lũ nhỏ lắm!”. Chị bảo, chị mồ côi cả cha lẫn mẹ, được bà ngoại thứ nuôi nấng, bây giờ nếu chị có bề gì, lũ con chị đã mất cha, không còn chị nữa chúng sẽ không biết sống thế nào, khi ông bà ngoại thứ cũng đã già, có thể nằm xuống bất cứ lúc nào.

9-1652070989.jpg
Con gái lớn của chị Xuân đành gác ước mơ đến trường để phụ mẹ làm bánh, nuôi các em

Trong khi chị đang nói chuyện với tôi, đứa con trai nhỏ của chị mở thùng gạo thấy hết trơn, và nồi thức ăn chỉ có vài cái tóp mỡ lẫn với măng rừng để nguội ngắt từ ngày hôm trước. Nó ngây thơ nói vọng ra: “Má ơi nhà mình hết gạo rồi. Xí nữa má nói chuyện xong nhớ đi mua gạo nha má!”. Chị ngoái lại rồi ngập ngừng ừ hữ, thoáng lo lắng hiện lên trong mắt. Tôi hiểu ra rằng chị chẳng còn một xu nào. Khéo léo, tôi để một tờ giấy bạc dưới chùm lá bánh của chị, rồi lấy cớ tạm biệt chị. Nhưng vừa ra đến ngõ, đã thấy chị hớt hải chạy theo, trên tay là tờ tiền gọi tôi lại ríu rít: “Anh ơi! Anh để rơi tiền này!” Tôi sợ nếu mình đưa trực tiếp, chị sẽ cảm thấy bị tổn thương. Tôi nhanh chân đi vội, không quên nói lại với chị: “Tôi biếu chị mua gạo cho các cháu! Chị cầm lấy đi cho tôi yên tâm!” Chị ngẩn ra một chút, gạt nước mắt rồi lủi thủi quay vào nhà. Phía ấy mấy đứa trẻ đang đứng đợi chị…

Chia tay chị, tôi vẫn không khỏi ám ảnh hoàn cảnh của mẹ con chị. Đời chị Dậu trong tiểu thuyết kia còn có lối thoát, còn “chị Dậu” này biết đến bao giờ mới sáng tươi lên?

Tiêu Dao – Tùng Linh