Sáng 3/3, tại Hội nghị tuyển sinh đại học 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT công bố dữ liệu của kỳ tuyển sinh đại học 2022 và kế hoạch 2023.
Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 đạt 83,39% (cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020). Trong số 330 cơ sở đào tạo có 194 cơ sở đào tạo (58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Theo đó, mặt bằng chung tỉ lệ thí sinh nhập học vào các trường đại học năm 2022 của cả nước là 48,09%. Nghĩa là cứ 100 em tốt nghiệp THPT năm 2022 thì có 48 em xác nhận nhập học đại học. Cả nước chỉ có 24 địa phương nằm ở mức mặt bằng chung trở lên.
Về tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển nhập học vào các cơ sở đào tạo, 10 địa phương có tỉ lệ cao nhất lần lượt là Bình Dương (67,42%), Thừa Thiên - Huế (62,57%), Đà Nẵng (61,88%), Khánh Hòa (60,76%), TP.HCM (60,74%), Nam Định (60,54%), Hải Phòng (58,25%), Phú Yên (57,10%), Hà Nội (56,81%), Bắc Ninh (56,12%).
Trong đó, 5 tỉnh, thành dẫn đầu danh sách không có địa phương nào thuộc vùng đồng bằng sông Hồng - khu vực vẫn được xem là mặt bằng giáo dục phổ thông cao, đời sống kinh tế - xã hội của người dân nhìn chung không khó khăn bằng nhiều khu vực khác.
10 địa phương thấp nhất cả nước (dưới 30%) đều thuộc khu vực trung du và miền núi phía bắc, gồm: Quảng Bình (30,72%), Yên Bái (29,36%), Tuyên Quang (28,8%), Hòa Bình (28,54%), Điện Biên (27,46%), Cao Bằng (24,92%), Lạng Sơn (24,87%), Sơn La (23,66%), Hà Giang (21,53%) và Lai Châu (20,39%).
Những địa phương có tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển nhập học vào các cơ sở đào tạo thấp nhất cả nước (dưới 30%) đều thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Từ số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể thấy, số thí sinh tốt nghiệp THPT ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn cũng đồng thời có tỉ lệ trúng tuyển và nhập học cao hơn.
Ngoài ra, cũng tại hội nghị này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học đã công bố một số phương thức xét tuyển đại học có tỉ lệ nhập học dưới 1%.
Cụ thể các phương thức như sau: Thi văn hóa do CSĐT tổ chức để xét tuyển: 0,50%; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển: 0,25%; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển: 0,27%; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển: 0,13%; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển: 0,26%; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển: 0,50%; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển: 0,01%. Và thấp nhất là phương thức xét tuyển qua phỏng vấn với tỉ lệ thí sinh nhập học là 0,00%.
Bộ GD&ĐT lưu ý, cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Các cơ sở đào tạo có thể loại bỏ những phương thức không cần thiết. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.