Chúng tôi được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng ở tỉnh Điện Biên đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về trồng các loại cây chứa chất ma túy, như: Tháng 1-2022, Công an huyện Điện Biên phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc (BĐBP tỉnh Điện Biên) tiến hành phá nhổ 150m2 cây thuốc phiện trồng xen lẫn với rau cải tại khu vực rừng tiếp giáp biên giới Việt Nam-Lào; ngày 10-2, Công an huyện Tủa Chùa phát hiện gần 600m2 trồng cây thuốc phiện tại vườn của một số gia đình ở xã Mường Báng; ngày 15-3, Đồn Biên phòng Si Pa Phìn (BĐBP tỉnh Điện Biên) phối hợp với Công an huyện Nậm Pồ phát hiện hai gia đình tại bản Đề Pua, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ trồng 387 cây thuốc phiện tại vườn rau...
Đặc biệt, vào giữa tháng 2-2022, Ðồn Biên phòng Na Cô Sa (BĐBP tỉnh Điện Biên) và Công an huyện Nậm Pồ đã phát hiện, bắt quả tang hai vụ trồng cây thuốc phiện với số lượng lớn, gồm: Đối tượng Hờ A Cấu, trú tại bản Huổi Po, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ trồng tới hơn 3.200 cây thuốc phiện đang ra hoa, hình thành nhựa; đối tượng Vàng Thị Pa, trú tại bản Nậm Chẩn, xã Na Cô Sa trồng hơn 1.800 cây thuốc phiện...
Theo thống kê sơ bộ, trong 7 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phát hiện, phá nhổ gần 8.000 cây thuốc phiện trồng trái phép tại các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo; làm rõ và xử lý 9 vụ, 9 đối tượng trồng cây thuốc phiện. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường trồng cây có chứa chất ma túy ở khu vực đồi núi hiểm trở, thung lũng hẻo lánh, cách xa khu dân cư hoặc trồng tại khu vực biên giới giáp ranh với nước bạn.
Để phòng, chống vi phạm về trồng cây thuốc phiện, theo Trung tá Vũ Ðình Nghi, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Ðiện Biên: Đơn vị đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về phòng, chống ma túy; tổ chức cho nhân dân ký cam kết không trồng cây có chứa chất ma túy, đồng thời tích cực phát hiện, tố giác những người trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn.
Ðặc biệt, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, khoanh vùng, nắm tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, tập trung vào những địa bàn có nhiều khả năng, điều kiện trồng cây thuốc phiện như: Vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã và tại những địa bàn đã từng xảy ra trồng cây thuốc phiện...
Về phía chính quyền địa phương, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác phòng, chống ma túy; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, nhân dân, hội viên, đoàn viên về tác hại của ma túy và trách nhiệm tham gia phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; vận động nhân dân ký cam kết không trồng cây có chứa chất ma túy, không sử dụng cây có chứa chất ma túy.
Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền và cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ địa bàn, quản lý dân cư, tăng cường kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy...
Với sự tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là lực lượng BĐBP và công an tỉnh Điện Biên, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện ở Điện Biên đã giảm dần. Tuy nhiên, hiện nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện vẫn tiềm ẩn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khiến một số bà con người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới trồng cây thuốc phiện là do trình độ hiểu biết hạn chế, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là có không ít người nghiện ma túy nên lén lút trồng để sử dụng. Bên cạnh đó, một số gia đình nghĩ đơn giản rằng trồng cây thuốc phiện để làm thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, gia cầm hoặc dùng ngâm rượu uống để tăng cường sức khỏe...
Vì vậy, để phòng, chống hiệu quả tình trạng trồng cây thuốc phiện trái phép, đòi hỏi các cơ quan chức năng và nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở cần phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở thôn, bản và cán bộ, hội viên các tổ chức đoàn thể (đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế cơ sở và giáo viên những trường học) trong việc tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ tác hại của ma túy nói chung, không trồng cây thuốc phiện nói riêng.
Các huyện, xã có thể nghiên cứu, phân công cụ thể cán bộ, đảng viên phụ trách từng địa bàn hoặc nhóm hộ gia đình để gắn trách nhiệm tuyên truyền, vận động, đồng thời giúp đỡ để các gia đình phát triển kinh tế, không vi phạm pháp luật. Cùng với đó, các địa phương phải có giải pháp thiết thực để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, dần xóa bỏ những phong tục, tập quán, suy nghĩ lạc hậu.
Như chia sẻ kinh nghiệm của đồng chí Vừ A Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa: Để nhân dân khu vực biên giới xóa bỏ tình trạng trồng và sử dụng cây thuốc phiện thì bên cạnh việc kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cần triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo. Giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, nếp sống văn hóa chính là giải pháp căn cơ để phòng, chống các tệ nạn, vi phạm pháp luật.