Giải thưởng Môi trường Việt Nam là một trong những Giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được trao cho Vườn quốc gia Pù Mát; nhằm ghi nhận những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ của Vườn quốc gia Pù Mát và các tổ chức, cá nhân đang hỗ trợ Vườn quốc gia Pù Mát trong việc bảo tồn hệ sinh thái, các giá trị đa dạng sinh học.
Trong thời gian qua, bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường thực thi pháp luật; tuyên truyền giáo dục; cứu hộ chăm sóc các loài; xây dựng các mô hình phát triển sinh kế; nghiên cứu khoa học; áp dụng SMART trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học;… Vườn quốc gia Pù Mát đã có những thành công đáng kể trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, động vật hoang dã cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.
Một số kết quả đáng ghi nhận trong thời gian từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2021 có thể được kể đến như sau:
– Số người bắt gặp/km giảm 4,6 lần, số bẫy tháo gỡ/km giảm 5,3 lần, số lán/km giảm 6,2 lần, số súng tịch thu/km giảm 6,1 lần, Số kích cá bị tịch thu/km giảm 7,5 lần, Số động vật sống được giải cứu/km do mắc bẫy hay thu giữ giảm 4,3 lần và số động vật chết/km giảm 13,6 lần.
– Số vụ vi phạm giảm rõ rệt qua các năm, năm 2019 có tổng số 57 vụ vi phạm, năm 2020 giảm xuống còn 19 vụ và 6 tháng đầu năm 2021 có 09 vụ.
– Chương trình điều tra động vật bằng máy bẫy ảnh theo hệ thống ô lưới đã ghi nhận được 82 loài của 33 họ thuộc các lớp thú, chim và lưỡng cư – bò sát. Trong đó, lớp thú ghi nhận được 38 loài của 18 họ. Đặc biệt, đã ghi nhận được 32 loài thú lớn chiếm 33,7 % tổng số loài thú lớn ở Việt Nam (Đối tượng điều tra chính); lớp chim ghi nhận được 42 loài của 13 họ và bổ sung 03 loài mới cho VQG Pù Mát gồm Sáo đất đầu cam (Geokichla citrina), Sáo đất mày trắng (Geokichla sibirica) và Gõ kiến xanh đầu đỏ (Picus rabieri); Lớp lưỡng cư và bò sát ghi nhận được 02 loài thuộc 02 họ. Trong số 82 loài động vật được điều tra ghi nhận qua chương trình đặt bẫy ảnh, có 48 loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Trong đó có 26 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), có 21 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN (2019), có 43 loài có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.
– Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát đã tiếp nhận chăm sóc cứu hộ 270 cá thể của 31 loài, gồm 18 loài thú, 7 loài rùa, 04 loài bò sát và 02 loài chim. Trong trong đó có 26 loài nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/6/2019 về quản lý động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp quý hiếm. Tái thả trở lại rừng tự nhiên 177 cá thể của 26 loài. Nhiều tổ chức bảo tồn cũng đã chọn Vườn quốc gia Pù Mát như là một trong những khu vực an toàn tái thả cũng như thực hiện các hoạt động theo dõi các động vật sau tái thả.
– Đã thực hiện giao khoán 121.875 lượt ha cho 4.353 lượt hộ gia đình, mỗi hộ gia đình nhận khoán tối thiểu 20ha/hộ. Số tiền được chi trả từ việc nhận khoán 6 – 8 triệu đồng/hộ/năm. Qua đó, đã góp phần tạo việc làm, thu nhập đáng kể cho người dân ở các thôn/bản trọng yếu, giáp ranh với Vườn quốc gia và hạn chế sự tác động của họ vào rừng.
– Không ngừng đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học và đã đạt được những kết quả tích cực và thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân và chính quyền các cấp trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học.
– Công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Pù Mát nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan; sự hợp tác có hiệu quả của các các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của quần chúng nhân dân trên địa bàn vùng đệm của Vườn. Trong mấy năm gần đây, không có sự chống đối của người dân đối với lực lượng kiểm lâm của Vườn trong công tác bảo vệ rừng. Người dân tham gia rất tích cực vào các hoạt động của Vườn quốc gia và khi cháy rừng xẩy ra thì việc huy động lực lượng người dân tham gia chữa cháy rất thuận lợi, hiệu quả.
Các thành quả trên có được, ngoài nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên Vườn quốc Pù Mát còn phải kể đến những đóng góp to lớn của nhiều cơ quan, tổ chức đã hợp tác và hỗ trợ Vườn quốc gia Pù Mát trong thời gian vừa qua. Có thể nói, Vườn Quốc gia Pù Mát đã và đang thực hiện tốt các công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên môi trường và là một địa chỉ không thể thiếu trong hành trình của những lữ khách khi về du lịch tại Bắc Miền Trung.