Vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia

Lương Đàm
Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21 đến 22-12-2021.

Đây là chuyến thăm Campuchia đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới. Chuyến thăm nhằm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện Việt Nam coi trọng việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng, đồng thời đây cũng là một trong những hoạt động đầu tiên để khởi đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24-6-1967 / 24-6-2022).

Là hai quốc gia láng giềng gần gũi, Việt Nam và Campuchia có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Mối quan hệ này được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp bằng công sức, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam cũng như Campuchia và là tài sản vô giá của hai dân tộc.

vn-campuchia-1640053556.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) tiếp Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN năm 2018

Ngược dòng lịch sử hơn 54 năm về trước, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Trên nền tảng quan hệ lịch sử lâu đời và từ cuộc đấu tranh chống thực dân, việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã tạo các điều kiện thuận lợi để nhân dân Việt Nam và Campuchia tiếp tục sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa xuân năm 1975.

Khi tập đoàn phản động Pol Pot tiến hành chính sách diệt chủng tàn khốc ở Campuchia, đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Tây Nam của Việt Nam, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia anh em, Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan các hành động xâm lược, cùng với lực lượng vũ trang, nhân dân Campuchia và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7-1-1979, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia và Việt Nam, khép lại một trang sử đen tối nhất của đất nước Chùa Tháp, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, trung lập và phát triển.

Sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991 và cuộc tổng tuyển cử năm 1993, quan hệ Việt Nam-Campuchia chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố. Cho dù cùng chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, song quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực trên các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh cho đến kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa-giáo dục, hợp tác đa phương. Đặc biệt, Việt Nam và Campuchia đã phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp tích cực cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại mỗi nước, thể hiện sống động tinh thần đoàn kết và truyền thống tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn giữa hai dân tộc.

Nhìn lại chặng đường lịch sử hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta vui mừng nhận thấy, bất chấp biết bao khó khăn, thử thách với những thăng trầm, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia không ngừng được vun đắp. Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thành công tốt đẹp, góp phần củng cố sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đưa quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” Việt Nam-Campuchia ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.