Vực dậy nguồn nhân lực hậu Covid-19: Phải vượt qua ba thách thức lớn

“Muốn thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng trưởng thì các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến sức khỏe nguồn lực lao động...”
vuc-day-nguon-nhan-luc-hau-covid-19-phai-vuot-qua-ba-thach-thuc-lon-01-1653997757.png
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE).

Đó là ý kiến của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), khi trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy xung quanh chủ đề: “Vực dậy nguồn lực lao động sau khủng hoảng Covid-19, xây dựng nơi làm việc hạnh phúc”.

Từ những khảo sát, nghiên cứu của VBCWE về tác động của đại dịch Covid-19 đến nguồn lực lao động của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, bà có thể cho biết những khó khăn, thách thức mà khu vực kinh tế tư nhân phải đương đầu? Nó ảnh hưởng như thế nào đến tốc độ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp?

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế mà còn làm thay đổi cách nhìn của doanh nghiệp đối với nguồn lực tài chính, nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực con người. Nguồn lực con người là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp “sống sót” qua đại dịch cũng như đóng vai trò thiết yếu trong công cuộc phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi ra khỏi “tâm bão” Covid-19. Có thể nói, nguồn lực này đang bị tổn thương rất nhiều và đặt ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp.

Đó là thách thức về sự đứt gãy và thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại các doanh nghiệp do sự dịch chuyển lao động từ thành phố về nông thôn bởi đại dịch Covid-19. Sự thiếu hụt này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải đẩy mạnh tuyển dụng để khôi phục sản xuất kinh doanh, phát sinh nhiều chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo cho nhân lực mới, mất thêm thời gian cho việc tăng chất lượng, sự lành nghề của lực lượng lao động. Cả việc xây dựng quan hệ lao động, văn hóa doanh nghiệp.

Thách thức về chất lượng nguồn lao động chưa đạt yêu cầu do tay nghề thấp, thiếu kỹ năng mềm nên ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thách thức về mức độ, khả năng thích ứng của người lao động với tốc độ cập nhật các phương thức, mô hình làm việc mới. Khả năng này kém khiến người lao động khó bắt kịp một cách tương xứng với tốc độ đổi mới của doanh nghiệp nên đã phát sinh sự “lệch pha”, làm chậm quá trình phục hồi doanh nghiệp. Thách thức về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động làm giảm năng suất lao động của họ và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng kém đi (theo nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 đến người lao động khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam của Investing in Women (IW) và VBCWE.

Trước những thách thức đó, chiến lược vừa vực dậy, vừa củng cố nguồn lực lao động đang là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung vào những vấn đề gì để tăng sức nguồn lực lao động, lực đẩy quan trọng cho quá trình phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19?

Hiện nay, muốn thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng trưởng thì hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến sức khỏe nguồn lực lao động của mình. Theo tôi các lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung vào ba vấn đề sau:

Thứ nhất, vực dậy nguồn lực lao động sau khủng hoảng Covid-19 đòi hỏi tư duy và hành động tiên phong của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, thông qua việc thiết lập khung pháp lý vững chắc trên cơ sở vì lợi ích của người lao động, đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược thúc đẩy văn hóa đa dạng, hòa nhập gắn với các giá trị giới được bình đẳng tại nơi làm việc, tạo nền tảng cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp cần tạo một môi trường đủ an toàn và tôn trọng với những điều kiện tối ưu để giữ chân người lao động. Bên cạnh những yếu tố về lương thưởng, các nhà lãnh đạo cần quan tâm đến xây dựng và chia sẻ niềm tin, đến các lợi ích về chăm sóc sức khỏe lợi ích và tinh thần, đến văn hóa doanh nghiệp và những giá trị cốt lõi giúp thu hút và gắn kết đội ngũ. Tạo dựng được một nền tảng văn hóa đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt giới tính, vùng miền, là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì và đảm bảo người lao động cảm thấy an vui, an toàn nguồn lực lao động một cách bền vững.

Thứ hai, doanh nghiệp cần có sự linh hoạt, đặc biệt là linh hoạt trong chính sách, cách thức làm việc và cả những cơ hội lựa chọn. Covid-19 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp áp dụng phương thức làm việc tại nhà, nhưng không có nghĩa đây là phương thức làm việc linh hoạt mà người lao động được lựa chọn. Họ dường như không có nhiều quyền quyết định đối với địa điểm và cách thức làm việc. Họ làm việc tại nhà do yêu cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn giãn cách xã hội chứ không hẳn do họ tự nguyện lựa chọn. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm trong năng suất lao động nếu cơ sở vật chất không được cung cấp đầy đủ hoặc sự thiếu rõ ràng trong công việc. Vì vậy, việc cho người lao động quyền lựa chọn sắp xếp công việc linh hoạt và xây dựng một cơ chế chính sách rõ ràng cũng như các điều kiện về thiết bị và công cụ dụng cụ đảm bảo về làm việc linh hoạt là việc các nhà lãnh đạo nên quan tâm.

Thứ ba, đó là sự quan tâm đến những nhóm chịu tác động mạnh mẽ hơn. Báo cáo khảo sát đã nhắc đến ở trên cũng cho thấy Covid-19 ảnh hưởng đến người lao động nữ nhiều hơn nam giới do phụ nữ phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn trong việc chăm sóc gia đình và phải dành nhiều thời gian hơn cho việc nhà. Do vậy, các nhà lãnh đạo cần quan tâm hơn đến cả tinh thần và thể chất cho nhóm chịu tác động nhiều hơn này, thông qua những chính sách gia tăng quyền cho phụ nữ và chú trọng nhiều hơn đến các giá trị bình đẳng tại doanh nghiệp.

Chuyển đổi số đang là xu hướng mà các doanh nghiệp quan tâm. Liệu đây có thể là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy và đảm bảo các giá trị bình đẳng giới, đa dạng và bao trùm tại nơi làm việc nói riêng và cộng đồng nói chung hay không? Theo bà, những giá trị này đóng góp như thế nào đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp?

Chuyển đổi số và mô hình làm việc linh hoạt là một xu hướng tất yếu ngay từ thời kỳ Covid-19 và ngày càng mạnh mẽ hơn trong tương lai. Covid-19 chỉ là đòn bẩy cho quá trình này. Những thay đổi mang tính chất hệ thống đó cũng làm nổi bật vai trò trung tâm của nguồn lực con người, là yếu tố cần được đảm bảo an toàn, nuôi dưỡng và củng cố trong dài hạn. Trong tình trạng thiếu hụt nguồn lực lao động, để làm được công việc đảm bảo an toàn, nuôi dưỡng và củng cố đó, các nhu cầu về đa dạng, hòa nhập và bình đẳng tự nhiên trở thành giá trị cốt lõi và vô cùng cần thiết cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Do đó, có thể nói bệnh dịch Covid-19 thúc đẩy một cách tự nhiên tốc độ số hóa và ứng dụng làm việc linh hoạt cũng góp phần khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới, đa dạng và hòa nhập.

vuc-day-nguon-nhan-luc-hau-covid-19-phai-vuot-qua-ba-thach-thuc-lon-02-1653997757.png
Đa dạng giới hỗ trợ cải thiện kết quả kinh doanh.

Những giá trị này mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sự bình đẳng và đa dạng giúp tăng cường đổi mới, xây dựng thương hiệu tích cực giúp thu hút nhà đầu tư, người tiêu dùng, đối tác, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ cải thiện kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo khảo sát của ILO, 28% doanh nghiệp cho biết đa dạng giới giúp lợi nhuận gia tăng 5-10%; 37% doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận tăng 10-15% và 18% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng 15-20%.

Từ góc độ nguồn nhân lực, bình đẳng giới giúp nâng cao sự hài lòng của nhân viên, gắn kết đội ngũ, thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài. Bình đẳng giới và D&I đặc biệt có ý nghĩa với lực lượng lao động trẻ (thế hệ Millenials và thế hệ Z), trở thành một trong những yếu tố được cân nhắc khi lựa chọn nghề nghiệp.