Vĩnh Phúc: Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong phát triển chăn nuôi

Huyền Văn
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông Vĩnh Phúc đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án, chương trình khuyến nông Trung ương. Những dự án này đã làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người dân địa phương trong công tác tổ chức sản xuất. Việc xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người dân...

Theo chân những cán bộ khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, cảm nhận đầu tiên chính là những đổi thay tươi mới, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp nơi đây. Có thể nói, từ công tác khuyến nông, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã chuyển mình mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, mở rộng chuỗi liên kết, phát triển bền vững... Đây chính là động lực cho các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp... triển khai nhiều mô hình có sức lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng, giúp thay đổi rõ nhận thức, thói quen canh tác của người dân, gia tăng hiệu quả kinh tế…

nlntv-3-jpg-1684978478.jpg
Dự án Nuôi thâm canh bò thịt theo hướng VietGAHP với quy mô 1.000 con bò thịt tại 04 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc

Trong nhiều dự án khuyến nông Trung ương đang được triển khai hiệu quả tại Vĩnh Phúc, có thể kể đến Dự án Nuôi thâm canh bò thịt theo hướng VietGAHP với quy mô 1.000 con bò thịt tại 04 huyện (Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương và Sông Lô). Mục tiêu của dự án nhằm góp phần nâng cao năng suất và chất lượng thịt, tăng giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đảm bảo sản phẩm thịt bò an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc - ông Đinh Quốc Chiến cho biết: Để triển khai dự án, các hộ tham gia mô hình phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Công tác chọn điểm, chọn hộ đảm bảo công khai, đúng đối tượng, đầy đủ và đạt yêu cầu của mô hình. Từ những hộ được chọn, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã tổ chức mua và cấp hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo đúng định mức được phê duyệt.

nlntv-1-1684978414.jpg
Mô hình chăn nuôi mới góp phần giảm thiểu ô nhiêm môi trường sống cho cả cộng đồng và phát triển chăn nuôi

Cùng với đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn nhằm giới thiệu giống bò, kỹ năng chăn nuôi bò thịt, phổ biến kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi… Đặc biệt, Chuyên gia hỗ trợ VietGAHP là các chuyên gia có trình độ chuyên môn chăn nuôi có kinh nghiệm, có chứng chỉ chuyên gia, chuyên gia trưởng trong đánh giá VietGAHP chăn nuôi, có đủ năng lực hỗ trợ kỹ thuật các hộ tham gia mô hình thực hiện quy trình chăn nuôi VietGAHP.

“Chính từ sự chuẩn bị bài bản trong khâu chọn hộ, triển khai các bước đúng quy trình, đã giúp dự án đi đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Đến nay, đàn bò sinh trưởng, phát triển theo đúng yêu cầu của chương trình” – ông Đinh Quốc Chiến vui mừng chia sẻ.

nlntv-2-1684978448.jpg
Mô hình đạt hiệu quả kinh tế tăng 21,28% so với không thực hiện quy trình nuôi thâm canh theo hướng VietGAHP.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn (thôn Vân Trục, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch) nuôi 100 bò 3B tham gia mô hình chia sẻ: Khi áp dụng đệm lót sinh học trong chuồng nuôi bò đã làm giảm được mùi hôi thối và khí độc trong chuồng nuôi, giảm ruồi muỗi, các bệnh truyền nhiễm, tiết kiệm nước, công lao động, tăng chất lượng và sản lượng đàn… Đệm lót sau quá trình sử dụng trở thành một nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng, các hộ nuôi có thể tận dụng để trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho bò, nếu số lượng nhiều có thể bán với giá 400.000 đồng/khối, giúp người chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập…

Theo ông Đinh Quốc Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, nhiều giá trị tích cực từ chương trình đã được người dân ghi nhận và ủng hộ. Về kinh tế, hạch toán hiệu quả khi vỗ béo 01 con bò tại HTX nông nghiệp hữu cơ Sơn Thành (xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường) cho thấy, lãi (chưa tính công lao động) khi nuôi thâm canh 01 con theo hướng VietGAHP là 2.090.000 đồng. Hiệu quả kinh tế tăng 21,28% so với không thực hiện quy trình nuôi thâm canh theo hướng VietGAHP.

“Cùng với phát triển kinh tế cho từng hộ tham gia, dự án còn giúp nâng cao kiến thức và nhận thức của người chăn nuôi, thay đổi về thói quen, hành vi trong chăn nuôi theo hướng tích cực, từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật kết hợp với xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới về sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được triển khai cũng giúp bà con nắm bắt được quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh đặc biệt là những bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây sang người như bệnh cúm gia cầm, bà con nắm được cách thức xử lý môi trường chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiêm môi trường sống cho cả cộng đồng và phát triển chăn nuôi chăn nuôi bền vững” - ông Đinh Quốc Chiến khẳng định.

Đức Long - Bùi Cường