Việt Nam ủng hộ việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân

Lương Đàm
Ngày 1-12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) Giorgio Aliberti cùng Đại sứ các nước Pháp, Thụy Điển, Ba Lan và Séc để trao đổi về hợp tác song phương và một số vấn đề đa phương.

Hai bên cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc phấn đấu phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), tháo gỡ vướng mắc về thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam và ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh biến thể mới diễn biến phức tạp.

vu-khi-hat-nhan-1638416189.jpg
Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên tại một địa điểm bí mật

Về Hội nghị lần thứ 10 kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 1-2022 ở New York, hai bên trao đổi các ưu tiên của mình. Hai bên nhất trí đây là cơ hội để các quốc gia thành viên khẳng định mạnh mẽ cam kết chính trị, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp ước NPT và đề xuất phương hướng, tạo xung lực mới cho việc triển khai hiệp ước trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân và tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để loại vũ khí này, đồng thời khẳng định quyền nghiên cứu, phát triển, sử dụng các thành tựu công nghệ vì mục đích hòa bình. Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế quan trọng về không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó có NPT và ủng hộ các sáng kiến, nỗ lực chung nhằm thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, phấn đấu vì hòa bình quốc tế.

Về lĩnh vực biến đổi khí hậu, phía EU đánh giá cao sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP 26 vừa qua, bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về mọi mặt nhằm thực hiện các cam kết khí hậu trong thời gian tới.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục các trao đổi, đối thoại để tăng cường hiểu biết lẫn nhau về những vấn đề cùng quan tâm khác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, thiện chí và hợp tác trong những cơ chế hiện có.