Kể từ dạo Nho giáo trở thành độc tôn, khoa cử Nho học là phương thức chọn người tài giúp nước thì với kẻ sĩ, việc lập thân không đâu vinh bằng con đường cử nghiệp. Và chẳng có gì lạ khi anh em, cha con có thể là đồng môn với nhau, như trường hợp cha con tiến sĩ Nguyễn Bá Lân (1700-1785) là một minh chứng.
Cha con là đồng môn
Sách Đăng khoa lục sưu giảng khi viết về hành trạng của tiến sĩ họ Nguyễn có ghi: “Người làng Cổ Đô, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây” (thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội ngày nay). Tuy nhiên theo Phan Huy Chú thì nguyên quán của tông tộc nhà ông lại “ở làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh”.
Trong suốt đời làm quan của mình, Bá Lân kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, được Đại Nam nhất thống chí khen ngợi là “làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân, dẹp yên giặc cướp, tỏ rõ công lao, vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua”. Còn bố của Nguyễn Bá Lân, Lịch triều hiến chương loại chí cho hay: “Bố ông là Nguyễn Công Hoàn có tiếng văn chương ở đời”, tính lại rất ư nghiêm khắc.
Thuở hàn vi, hai cha con Nguyễn Bá Lân trong nhà là cha con, nhưng ở khoản sôi kinh nấu sử lại là đồng môn, cùng nhau học chờ ngày thi đỗ làm quan. Thường ngày, hai cha con Bá Lân khi học cùng nhau, ông Công Hoàn vốn tính nghiêm khắc nên khi học đêm, ông để cái dùi ở bên mình mà bảo Lân:
- Mày buồn ngủ thì tao đánh mày, tao buồn ngủ thì mày đánh tao.
Rồi có lúc đang học, ông Hoàn buồn ngủ gà gật bên trang sách, Bá Lân chỉ dám nhẹ nhàng đánh thức cha dậy. Ông Hoàn tỉnh giấc, bực mình cầm dùi đánh con mà mắng:
- Mày chực làm hại tao sao mà không đánh?
Vốn nổi tiếng là người văn hay, chữ tốt, ông Hoàn hay tự hào với văn tài của bản thân, nên bảo Bá Lân:
- Văn bài tao hơn mày thì tao ăn đứt mày phải không? Mày hơn tao thì mày ăn đứt tao phải không?
Tự hào là vậy nhưng khi làm bài văn thì bài của Lân lại thường làm hay và đạt hơn bài của cha, ông Hoàn buồn lắm bỏ cơm không ăn. Bá Lân biết vậy phải nói với thầy dạy chấm bài của cha cao hơn mình, lúc ấy ông Công Hoàn mừng lắm mới chịu ăn cơm. Nhưng vì bài Lân không đạt nên bị cha phạt không cho ăn. Người đời cũng vì những việc ấy mà khen Bá Lân bởi tính hiếu với cha.
Đăng khoa lục sưu giảng còn dẫn lại rằng có hôm hai cha con đi đò qua sông, ông Hoàn trông thấy đàn dê trên bờ, liền ra luôn bài phú có tiêu đề "Dịch đình thừa dương xa phú" (Bài phú vua cưỡi xe dê ra ngự dịch đình) và bảo con:
- Nếu sang bờ bên kia, tao làm xong trước mà mày chưa làm xong, thì tao ném mày xuống sông.
Thách con là vậy nhưng khi thuyền gần sang đến bờ sông bên kia thì Lân đã làm xong bài phú trước cha, ông Hoàn lúc ấy mới làm được một nửa, bèn bắt con phải ném mình xuống sông. Thương cha, Lân không nỡ, ông Hoàn bực lắm đánh con túi bụi rồi tự mình nhảy xuống sông. Bài phú ấy về sau người đời còn truyền tụng với tên gọi "Nhất độ giang thành chương phú" (Bài phú hoàn thành trên một chuyến đò ngang).
Nhờ có sự ganh đua học hành cùng tính nghiêm cẩn của cha, đến khoa thi tiến sĩ năm Tân Hợi (1731) thời vua Lê Dụ Tông, Bá Lân khi ấy 32 tuổi đỗ Hội nguyên. Việc này, Đại Việt sử ký tục biên còn chứng thực: “Ra lệnh thi các cử nhân (thi Hội), lấy hợp cách bọn Nguyễn Bá Lân (người xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong) 12 người”. Cũng sách trên cho hay, đến khi thi Đình “Cho Đỗ Huy Kỳ (người huyện Thụy Nguyên) đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (thám hoa). Trần Danh Ninh (người xã Bảo Triền, huyện Gia Định), Quản Đình Du (người xã Huê Cầu, huyện Văn Giang), Nguyễn Nghiễm (người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) đỗ tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp). Bọn Nguyễn Bá Lân 8 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”.
Về phần ông Nguyễn Công Hoàn, Đăng khoa lục sưu giảng cho hay, ông “đậu Thủ khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái nhà Lê”. Năm ấy, tra trong Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu là “Năm 1724, Giáp Thìn, Lê Dụ Tông, Bảo Thái, năm thứ 5. Bắt đầu khảo thí khoa bác cử”. Tuy nhiên, dù thi cử sớm hơn con trai, nhưng ông Công Hoàn lại không đỗ đạt bằng con mình. Âu cũng có nguyên do của nó.
Con chấm rớt bài cha
Ông Công Hoàn dù đậu thủ khoa năm Giáp Thìn (1724), nhưng đó chỉ là Hương cống. Trong khi ấy Bá Lân năm Tân Hợi (1731) thi đỗ tiến sĩ còn cha lại trượt. Khoa thi sau, ông Hoàn tiếp tục ứng thí còn ông Lân được triều đình cử tham gia công việc chấm thi.
Trong khi đọc các quyển thi của thí sinh ông Lân chấm qua cả quyển của cha mình. Bởi bài đã rọc phách nên Bá Lân không biết bài của cha, ông chấm trượt bài thi ấy. Sau ông Hoàn nhờ người quen lấy được bài thi ra, nhận thấy dấu đánh hỏng bài thi là chữ của con trai, giận lắm, liền để sẵn một cái chày giấu ở trong áo, rồi giả vờ hỏi Bá Lân:
- Văn tao viết có câu:
Lưu hành chi hóa tự tây, đông nam bắc vô tư bất bặc phục.
Triệu tạo chí cơ tự cảo, Mân Kỳ Phong hữu khai tất tiên.
Dịch là:
Phong hóa của vua Văn Vương lưu hành tự phương tây, đến đông, nam, bắc, không nơi nào là không quy phục.
Cơ nghiệp gây dựng của nhà Chu khởi tự đất Cảo, rồi đến Kỳ, Mân, Phong, là do ở nơi đó trước.
Không biết người nào chấm đánh hỏng của tao câu đó.
Bá Lân nghe cha đọc xong thì chột dạ, biết ngay là bài ấy mình đánh hỏng. Sợ cha mắng, lại tiện thể muốn chiều lòng cha nên đáp:
- Văn của phụ thân hay quá, không biết ai chấm nghiệt mà đánh hỏng như thế. Thật uổng!
Ông Hoàn nghe con nói xong, lại bực thêm vì tội giấu giếm, không dám nhận lỗi mới chìa luôn quyển thi của mình ra, giả vờ nói:
- Không biết bút tích của ai đây?
Vừa nói xong ông Hoàn cầm luôn chày đánh, tiến sĩ Bá Lân chỉ còn biết chạy để thoát đòn của cha. Tiến sĩ Bá Lân ân hận lắm vì không hiểu hết nghĩa bài làm của cha mà trót đánh hỏng, nhưng lòng kính trọng cha không bao giờ nguội. Như lời bài "Tử đạo" (Đạo làm con) của Lê Thánh Tông trong Hồng Đức quốc âm thi tập có câu:
Đạo cha đức mẹ chất tầy non,
Lấy thảo mà thờ ấy đạo con.