Vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, ra tòa nhưng trước đó đều 'tốt, xuất sắc'

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đặt vấn đề "vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa, nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy khắc phục thế nào?".

Sau hơn một ngày làm việc, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giới thiệu, quán triệt nội dung 4 Nghị quyết. 

Kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhận định, các điểm cầu tham dự hội nghị khá đầy đủ, với thái độ trách nhiệm cao, nhiều nguyên cán bộ lãnh đạo tuổi cao nhưng vẫn học tập nghiêm túc, làm gương cho cán bộ đảng viên trẻ.

"Đất hai giá" - nguyên nhân của khiếu kiện, cán bộ bị kỷ luật

Với nghị quyết về chính sách đất đai, Thường trực Ban Bí thư cho biết, có rất nhiều vấn đề mới và quan trọng, Trung ương tin tưởng nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra chuyển biến tích cực, như bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ khắc phục được tình trạng hai giá trong thời gian vừa qua.

vi-sao-nhieu-can-bo-bi-ky-luat-ra-toa-nhung-truoc-do-deu-tot-xuat-sac-1658477258.jpg
Thường trực Ban Bí thư kết luận hội nghị.

"Khi làm nghĩa vụ với nhà nước thì người dân muốn giá đất rẻ để nộp tiền thuế ít. Khi đền bù thu hồi đất thì muốn có giá trị cao để được hưởng lợi. Cho nên đấu giá thì một giá đất khác, giao đất một giá khác. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại, cán bộ bị kỷ luật liên quan đến đất đai", Thường trực Ban Bí thư phân tích.

Về xác định phải tái định cư xong mới thu hồi đất, ông Thưởng cho biết, trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu nói tái định cư xong mới thu hồi đất sẽ chậm trễ, cho nên đề xuất hướng thu hồi trước rồi từng bước tái định cư sau. Tuy nhiên, thực tế có dự án 20 năm, rất nhiều dự án 5-10 năm, sau khi thực hiện vẫn không tái định cư cho người dân.

“Bây giờ coi trọng cuộc sống của người dân nên phải thực hiện tái định cư trước”, ông Thưởng nói và cho biết, tại Hội nghị TƯ 5 có người nói khi thu hồi đất thì đánh giá tác động cũng cần nhưng đánh giá tác động xã hội còn quan trọng hơn.

Một vấn đề khác, theo Thường trực Ban Bí thư là nhà nước đảm bảo nguồn lực quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và các phân khu, lĩnh vực, các ngành sử dụng đất.

Ông Thưởng cho hay, khi thảo luận, nhiều người cho rằng, nhà nước chỉ cần đảm bảo nguồn lực để quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất. Nhưng, nếu quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất thì ít doanh nghiệp tài trợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại rất hào hứng tài trợ các quy hoạch phân khu sử dụng đất.

“Khi chúng ta mời doanh nghiệp tài trợ các phân khu, lĩnh vực sử dụng đất thì chắc chắn sẽ tạo ra sự tiếp cận đất đai không công bằng. Khi doanh nghiệp tài trợ phân khu sử dụng đất thì trung tâm thương mại, công viên cây xanh ít đi, công trình công cộng ít đi”, ông Thưởng nêu.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, nếu làm tốt nội dung Nghị quyết 18 Hội nghị TƯ 5 về đất đai thì chính trị xã hội sẽ chuyển biến tốt. "Khiếu kiện, khiếu nại của người dân về vấn đề đất đai sẽ giảm. Cán bộ bị xử lý liên quan đất đai cũng sẽ giảm”, ông Thưởng nói.

 Vào Đảng vì mục tiêu lý tưởng hay để làm quan

Với Nghị quyết về tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, Thường trực Ban Bí thư cho biết, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã nói rất sinh động, đây là vấn đề rất quan trọng, hệ trọng. "Xét ra cho cùng mọi chuyện, cuối cùng cũng liên quan tới tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, vậy cần có sự thẳng thắn có tính đột phá trong một số khâu trong công tác xây dựng tổ chức đảng, đảng viên", ông Thưởng nhìn nhận.

Trong phát biểu của Tổng Bí thư có dẫn câu nói của Lênin "thà ít mà tốt", từ đây Thường trực Ban Bí thư đặt vấn đề, "thà ít mà tốt sẽ thực hiện như thế nào?", hay "lời thề đảng viên như thế nào để sâu sắc, khi có nguy cơ vi phạm lời thề người ta sẽ hổ thẹn, phải suy nghĩ".

Thường trực Ban Bí thư phân tích, ban đầu viết lời thề đảng viên rất hay nhưng sau này sửa một hồi thành lời hứa đảng viên kết nạp và lấy 4 nhiệm vụ của đảng viên trong điều lệ ra dẫn đến vừa dài, ít người thuộc hay đọc xong quên luôn.

Bác Hồ từng nói "vào Đảng không phải để làm quan, phát tài" song khi thiết kế cơ chế một hồi lại thành "không vào đảng không làm quan được", không vào đảng không học cao cấp lý luận chính trị và không học cao cấp lý luận chính trị sẽ không được bổ nhiệm phó phòng, trưởng phòng...

"Cho nên cuối cùng mình lại không thực hiện đúng tư tưởng được”, ông Thưởng nhấn mạnh và cho rằng, khi thực hiện như thế thì “rất khó có cơ sở để đánh giá vào Đảng vì mục tiêu lý tưởng hay để làm quan”.

vi-sao-nhieu-can-bo-bi-ky-luat-ra-toa-nhung-truoc-do-deu-tot-xuat-sac003-1658477506.jpg

Về nhận thức tư tưởng chính trị, bản lĩnh chính trị, mục tiêu lý tưởng của đảng viên, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, đây là vấn đề quan trọng nhưng “cái đó lại không hiện lên trán mỗi người, nhìn trên trán không thấy”.

Ông nêu: “Chúng ta phải hỏi câu hỏi vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa, trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy khắc phục thế nào? Nêu ra nhiệm vụ giải pháp phải cụ thể hóa rất cao. Nhưng đây là việc rất khó”.

Nhấn mạnh đến vai trò của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội trong tham gia xây dựng Đảng, theo ông Thưởng, “chúng ta nói nhiều câu rất hay ‘dựa vào dân để xây dựng Đảng, dựa vào dân để chống tham nhũng, tiêu cực; dựa vào dân để lựa chọn cán bộ. Cán bộ thế nào thì dân tình biết hết’. Rất nhiều văn bản, Nghị quyết nhưng vai trò thực tế của MTTQ và tổ chức chính trị xã hội thể hiện như thế nào?”.

Thường trực Ban Bí thư lưu ý, công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt nghị quyết được tiến hành thường xuyên, toàn diện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Công tác tuyên giáo phải đóng vai trò đi trước, mở đường. Vai trò của các cơ quan báo chí, sức mạnh tổng hợp của tổ chức chính trị xã hội để cán bộ, đảng viên hiểu rõ, thông suốt và tích cực triển khai thực hiện nghị quyết.

Ông dẫn chứng: "Có nhận thức rằng đôi khi cán bộ đảng viên xem tivi để biết lãnh đạo đi đâu, nói gì, chỉ đạo gì, thông điệp ra làm sao. Nhưng ở một khía cạnh khác, cán bộ, lãnh đạo cũng phải xem tivi để biết xã hội đang nổi lên cái gì, dân tình đang bức xúc chuyện gì, những mô hình nào hay, chỗ nào còn tồn tại hạn chế để chỉ đạo giải quyết khắc phục".

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, theo Thường trực Ban Bí thư, yếu tố quyết định là khâu tổ chức thực hiện. "Vì sao trong nghị quyết nhiều nhiệm kỳ liền vẫn nói rằng tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu, tổ chức thì rất hay rồi nhưng như có lần Tổng Bí thư ví von, hay thì thật là hay, xem ra thực hiện trăm bề khó khăn".

Cho nên, khi làm nghị quyết bàn rất kỹ nhưng trong quá trình thực hiện thấy khó lại chùn chân, để lại. Vì vậy, theo ông, quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi có sự quyết tâm, năng động đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu.