Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an lên tiếng cảnh báo về tình trạng nhiều người dùng nhận tin nhắn với nội dung "lệnh truy nã".
Trả lời VietNamNet liên quan đến nội dung trên, Trung tướng Trần Ngọc Hà sáng 18/3 khẳng định: "Cơ quan điều tra không gửi lệnh truy nã đến cá nhân người dân mà đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, báo chính thống của Nhà nước...".
Trung tướng Hà cho biết, Điều 231 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về truy nã: Khi bị can trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã.
Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao cũng có Thông tư Liên tịch số 13/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã cũng như theo quy định tại Thông tư 39 quy định về công tác truy nã của CAND thì quyết định truy nã là văn bản tố tụng hình sự do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo mẫu do Bộ Công an quy định (Lệnh truy nã do cơ quan có thẩm quyền ban hành trước đây vẫn còn hiệu lực).
Quyết định truy nã phải có một số các nội dung chính như: Thời gian, địa điểm ra quyết định truy nã; cơ quan, họ tên, chức vụ người ra quyết định; căn cứ truy nã; thông tin lý do, nhận dạng, ảnh đối tượng bị truy nã; tội danh bị khởi tố, truy tố; địa chỉ, số điện thoại của cơ quan ra quyết định truy nã.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự cho biết, các tin nhắn với nội dung "lệnh truy nã" nêu trên là một trong những biến tướng của các đối tượng đòi nợ thuê. Việc này Bộ Công an cũng đã có những cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để người dân cảnh giác.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hải (đoàn luật sư TP Hà Nội) thời gian gần đây, không ít người dân hoang mang khi nhận được tin nhắn với nội dung lệnh truy nã, yêu cầu tự giác trình diện và nếu không thực hiện sẽ bị chuyển giao cho công ty đòi nợ thuê, bị truy tìm, xử lý.
Thủ đoạn gian dối, giả mạo để chiếm đoạt tài sản như vậy gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Luật sư Hải thông tin, đối với những hành vi vi phạm này khi bị phát hiện, điều tra, hoàn toàn có thể bị xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cụ thể, đầu tiên đây là hành vi giả mạo cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Đối với hành vi này, tùy theo số tiền mà các đối tượng này chiếm đoạt được của bị hại, nếu chưa đủ cấu thành tội phạm thì xử lý hành chính.
"Theo điểm c, khoản 1, điểm b khoản 2 điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản; Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản", ông Hải viện dẫn.
Ngoài ra, theo ông Hải, nếu đủ yếu tố cấu thành tội danh thì người có hành vi giả danh cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến tù chung thân.
Cụ thể, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên”. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.