Nội dung trên tại Nghị quyết 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ tri, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với diễn biến tình hình trong và ngoài nước; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống ngân hàng gắn với tăng cường thanh tra, giám sát. Có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, tình trang đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung xử lý nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Hỗ trợ lãi suất 2%: Đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019, trong đó lưu ý quy định phù hợp về sử dụng tiền gửi kho bạc nhà nước tại tổ chức tín dụng, hoàn thành trước ngày 15/12/2022; Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tín nhiệm, tăng cường minh bạch thông tin và kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp thích hợp, trước mắt khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ.