Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, cùng sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Chia sẻ tại ngày hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Trong 9 năm qua, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng đã có sự đổi mới mạnh mẽ, nhằm đem lại thuận lợi và cơ hội lớn nhất cho thí sinh.
Thứ trưởng nhắc lại thời điểm trước năm 2015, học sinh chỉ được đặt một nguyện vọng vào một trường. Khi không trúng tuyển nguyện vọng 1, cơ hội để vào một trường tốt rất khó. Sau đó, năm 2015, thí sinh có 4 nguyện vọng vào một trường. Năm 2016, thí sinh được 4 nguyện vọng vào hai trường.
Từ năm 2017 trở đi, không hạn chế số nguyện vọng vào các trường, ngành, chương trình đào tạo khác nhau. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, thí sinh có thể đặt nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên với ngành, trường yêu thích lên đầu (nguyện vọng 1) và các trường đại học sẽ tham gia xét tuyển. Như vậy, hầu hết thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng 1 theo mong ước - nguyện vọng cao nhất.
Hiện, có hơn 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng và rất nhiều trường trung cấp, trong đó, có gần 500 ngành đào tạo ở bậc đại học. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, mỗi năm, số lượng xét tuyển vào đại học xấp xỉ 500.000 - 600.000 thí sinh nhưng chỉ 80% em nhập học chính thức, có 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học.
Điều này cho thấy, từ khi thí sinh đặt nguyện vọng đến lúc lựa chọn ngành mình học có sự khác nhau. Bên cạnh đó, sau năm thứ nhất, 5-7% sinh viên đã trúng tuyển vào đại học rồi nhưng lựa chọn xét tuyển lại. Như vậy, số lượng các em chọn sai, không phù hợp là rất nhiều. Từ thực tiễn trên, mục đích của các chương trình tuyển sinh hướng nghiệp là làm thế nào để học sinh, phụ huynh có thông tin đầy đủ nhất, tự tin chọn ngành học, trường học phù hợp.
Tại Ngày hội, Ban tư vấn gồm đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều đại học, cao đẳng đã cung cấp thông tin mới nhất, đầy đủ và chính xác về thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh năm 2024.
Ngoài ra, các phụ huynh, học sinh có thể tìm hiểu thông tin từ các cơ sở đào tạo ở 280 gian tư vấn trong khuôn khổ ngày hội. Gian tư vấn của các trường giúp phụ huynh, học sinh có cái nhìn tổng quan về sự đa dạng của bậc học, ngành học, môi trường đào tạo... của từng trường.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh lại quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (được áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2023) đó là, thí sinh sẽ chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành, trường mà không cần đăng ký nguyện vọng theo phương thức, tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh cần nhớ phải cập nhật lên hệ thống xét tuyển của Bộ tất cả những dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế đã ban hành.
Bên cạnh đó, thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển của Bộ và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ. Hệ thống này sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Vì thế, thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết: Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến hỗ trợ các trường có tổ chức thi năng khiếu đưa dữ liệu lên hệ thống. Phần mềm tuyển sinh tiếp tục được hoàn thiện thêm một bước nữa để tạo sự thuận lợi trong công tác tuyển sinh trên toàn hệ thống.
Một số thí sinh và phụ huynh băn khoăn về thông tin, năm nay nhiều trường đại học sẽ không xét tuyển phương thức có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội khẳng định, không có chuyện các trường từ chối chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh.
Vì các chứng chỉ ngoại ngữ đáng tin cậy để đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học, điều đó rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay. Không chỉ tuyển sinh mà trong chuẩn đầu ra của trường đại học cũng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Do vậy, nhiều trường năm nay vẫn có phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ ngoại ngữ, tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất, cần các điều kiện khác để thí sinh có thể trúng tuyển.
Tiến sĩ Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có quy định miễn thi môn Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nằm trong danh mục Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Đối với việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học thì tùy thuộc quy định khác nhau của mỗi trường.