Tuyển sinh bậc phổ thông năm 2025, khi nào có thông tư mới?

Năm 2025 được coi là bước ngoặt của các kỳ thi ở nước ta. Thế nhưng đến hiện tại, dư luận vẫn đang chờ đợi chủ trương của Bộ GD&ĐT sẽ thay đổi Thông tư Hướng dẫn tuyển sinh cho các địa phương như thế nào, để phù hợp với những học sinh đã học cuối cấp học theo CT2018.

Ngành Giáo dục trong năm 2025 đánh dấu những lần đầu tiên: lần đầu xét tuyển vào lớp 6 đầu cấp Trung học cơ sở (THCS) cho học sinh Tiểu học (TH) đã học liên tục 5 năm theo CT2018; lần đầu tuyển sinh vào 10 đầu cấp THPT cho học sinh THCS đã học liên tục 4 năm CT2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức lấy ý kiến xây dựng Quy chế thi tốt nghiệp THPT rộng rãi và dự kiến quý IV năm 2024 sẽ ban hành chính thức Quy chế. Tuy nhiên, hai kỳ thi tuyển sinh vào đầu cấp THCS và THPT vẫn “im ắng”, trong khi các kỳ thi này đều đang phân cấp cho địa phương. Dư luận muốn sớm biết chủ trương của Bộ GD&ĐT sẽ thay đổi Thông tư Hướng dẫn tuyển sinh cho các địa phương như thế nào, nhằm thay đổi, phù hợp với những học sinh đã học cuối cấp học theo CT2018.

tuyen-sinh-bac-pho-thong-2025-khi-nao-co-thong-tu-moi-1-1724747484.jpg
Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt của các kỳ thi ở nước ta. (Ảnh minh họa)

Theo TS. Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được coi là “khốc liệt” nhất trong các kỳ thi của giáo dục phổ thông Việt Nam. Do đó, Bộ GD&ĐT nhất thiết cần ban hành thông tư mới hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 bậc THPT bởi 2 lý do:

Do triết lý của CT2018: Triết lý đổi mới giáo dục nước ta hiện nay, thực chất là “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Điều này có thể hiểu, các nhà trường cần chuyển từ dạy chữ sang dạy người hay dạy học phải theo mục tiêu phát triển năng lực người học. CT2018 chính là chương trình dạy học phát triển năng lực học sinh. Thi thực chất là bài đánh giá học sinh theo quy mô lớn ở phạm vi quốc gia hay tỉnh, thành phố. CT2018 nhằm đánh giá học sinh theo năng lực thì thi cũng phải thay đổi để đánh giá theo năng lực. Do đó, cần thực hiện nhất quán và sự đồng bộ giữa các thành tố trong Mục tiêu-Nội dung-Phương pháp và Đánh giá người học.

Do Thông tư Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quá lâu và sửa đổi nhiều lần: Hiện tại các địa phương xây dựng quy chế tuyển sinh vào lớp 10, dựa trên các Thông tư của Bộ GD&ĐT, gồm: Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT, ngày 18-4-2014; sửa đổi và bổ sung bởi Thông tư số 18/2014/TT-BGDĐT, ngày 26-5-2014; và Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT, ngày 28-2-2018. Thông tư ban hành đã qua gần 7 năm và được điều chỉnh tới 3 lần sẽ khó có thể cập nhật sự thay đổi của thực tế tuyển sinh ở các địa phương và phần nào gây ra khó khăn cho các địa phương khi áp dụng thông tư hướng dẫn thi.

Cũng theo ý kiến của TS. Đặng Tự Ân, Bộ GD&ĐT nên tham khảo các ý kiến phản hồi rộng rãi của cán bộ giáo viên và các chuyên gia trong nước về môn thi bắt buộc và tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 bậc THPT nên quy định chỉ thi 3 môn, trong đó 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc còn môn thứ 3 học sinh sẽ tự chọn 1 trong số các môn còn lại mà học sinh đã học ở lớp 9.

Về hình thức thi, môn thi Ngữ văn theo tự luận, các môn thi còn lại theo trắc nghiệm khách quan. Đối với hình thức hình thức trắc nghiệm, về góc nhìn khoa học và thực tiễn đều thống nhất đó là phù hợp bài thi đầu vào; khách quan và công bằng; giảm sai sót và thiên vị khi chấm điểm; tạo động lực và tự tin cho thí sinh; rèn luyện kỹ năng tư duy logic và ra quyết định nhanh chóng; thực hiện số hóa trong đánh giá và thi cử.

Tiến sĩ Ân cho rằng vẫn nên giữ lại 2 phương thức thi là xét tuyển và vừa xét tuyển, vừa thi tuyển. Xét tuyển một số tỉnh đã từng làm. Xét tuyển và thi tuyển nên làm rộng rãi nhằm giảm số lượng thí sinh phải qua thi tuyển. Xét tuyển, tiến tới làm bài luận thay thế và đây được coi là cơ sở quan trọng và quyết định tới kết quả trúng tuyển của thí sinh, như nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đang thực hiện.

PV