Từ vụ cô giáo xứ Nghệ bị phạt tù, nhớ lại vị quan tòa có tâm 50 năm trước

Sau đây là câu chuyện về vị quan tòa có tâm của 50 năm trước, từng là người lính được Bác Hồ đặt tên, cử đi học.

Báo chí truyền thông vừa rộ lên xung quanh chuyện phiên tòa xét xử "không bình thường" với một nữ nhà giáo, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) về tội chi tiêu trái nguyên tắc.

Theo đó, bị cáo - cựu giám đốc Lê Thị Dung "đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp". Bà Dung quyết định sẽ làm đơn kháng án để được xử phúc thẩm.

Bỗng dưng tôi nhớ đến một chuyện cũ xảy ra cách đây tròn 50 năm, rồi ước ao: Giá mà pháp đình bây giờ có những vị quan tòa mẫn cán, công tâm và thương dân lành như cố thẩm phán viên cao cấp, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao Hoàng Nam Hải cách đây tròn nửa thế kỷ, khi ông xử phiên phúc thẩm có một không hai trong đời mình. Đó là một vụ án vô cùng hy hữu xảy ra tại thành phố cảng Hải Phòng.

Chuyện về vị quan tòa có tâm của 50 năm trước, từng là người lính được Bác Hồ đặt tên, cử đi học

Cố chánh tòa hình sự, thẩm phán viên cấp cao của TAND tối cao Hoàng Nam Hải (1923-2003) tên thật là Trần Đình Tống, là một người từng suýt có mặt trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam) ngày 22.12.1944. Ông và một số đồng chí vài tiếng sau mới kịp có mặt do trục trặc trên đường đến nơi tập kết, nên không được dự lễ tuyên thệ cùng đồng đội.

"Bù" lại, ông có một vinh hạnh cực lớn, vì là một trong 3 chiến sĩ do Bác Hồ đặt cho họ tên khác rồi cử đi học tại Trường Quân sự Hoàng Phố bên Trung Quốc. Đó cũng là một trong những lứa đầu tiên của quân đội ta được ra nước ngoài đào tạo.

Là chiến sĩ thuộc lớp học trò được Bác chăm lo, đào tạo cho nên ông luôn học tập và làm theo lời Bác dạy. Cho dù ở cương vị nào, nếu được tổ chức giao thì luôn xác định phải hết lòng vì nhân dân phục vụ.

nlntv-1683862308.jpg
Ông Hoàng Nam Hải (mặc comple) bắt tay, tặng cờ lưu niệm cho thượng tướng Phùng Thế Tài (người kế nhiệm ông Hải làm Trung đoàn trưởng Tây tiến năm xưa) - Ảnh: Tư liệu

Theo yêu cầu, nhiệm vụ mới, năm 1962 ông được chuyển sang TAND tối cao công tác với các chức vụ nói trên.

Ông Hoàng Nam Hải thường được tòa phân công đi xét xử các vụ án phúc thẩm hoặc tham gia thành viên trong Hội đồng xét xử giám đốc thẩm (ông là cố vấn bậc 2, chuyên viên 8, hưởng chế độ ngang lương thứ trưởng)...

Câu chuyện tôi được nghe kể sau đây hoàn toàn không giống vụ cô giáo Dung bị kết án 5 năm tù, vì lúc này tôi cũng chưa rõ bà Dung có bị oan hay không. Tuy nhiên, khi đã xét xử thì dù là tòa cấp nào cũng cần thể hiện tính công tâm và cần mang tính nhân văn vào công tác xét xử. Thiếu những phẩm chất đó thì công lý quả thật đáng buồn.

Chuyện như sau

Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, người từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, một đạo diễn sân khấu chèo nổi tiếng, nay cũng đã ngoài 80 và cũng đã yếu. Ông là cháu họ thẩm phán Hoàng Nam Hải. Ông kể lại cho tôi nghe là để tôi giúp gia đình ông Nam Hải ghi lại thành một chương trong cuốn sách do nhiều người thân viết về cuộc đời vị thẩm phán cấp cao Hoàng Nam Hải. Trong câu chuyện, tôi hiểu ông Hải là người làm việc rất nguyên tắc nhưng cũng rất nhân văn, thấm đẫm tình người, khi được giao xét xử các vụ án ở cấp phúc thẩm.

Vụ án tôi được nghe kể diễn ra cách nay vừa tròn 50 năm. Đây có lẽ là vụ án rất hy hữu. Nó từng gây xôn xao dư luận một thời, không chỉ ở Hải Phòng mà cả miền Bắc khi đất nước ta chưa thống nhất.

Chuyện xảy ra vào khoảng giữa năm 1973, khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của Mỹ kết thúc chưa lâu. Đời sống người dân sau chiến tranh vẫn còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn...

Bữa đó, ông Hoàng Nam Hải chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm một vụ, tổ chức tại thành phố cảng Hải Phòng. Hôm sau, ông tranh thủ đến nhà người cháu (ông Ngôn) làm đạo diễn sân khấu tại Đoàn chèo Hải Phòng chơi, rồi kể lại chuyện bởi ông biết cháu ông trước đó cũng rất quan tâm vụ án này.

Ông Ngôn kể: Sự việc "gây án" xảy ra tại cổng trụ sở Sở Nhà đất Hải Phòng. Một phụ nữ ăn mặc theo kiểu dân lao động đứng bên cổng sở. Chị đang chờ đón ông Giám đốc Sở Nhà đất đi ra. 
Thấy ông giám đốc dắt xe, chị lại gần từ tốn hỏi: 
- Xin lỗi cho tôi hỏi, ông có phải là V.Đ.K, Giám đốc Sở Nhà đất không ạ?
- Vâng, tôi đây! Có chuyện gì thế chị? - ông K. từ tốn hỏi lại.
Chị ấy bảo:
- Tôi muốn gửi ông cái này!
Và nhanh như cắt, chị ta chủ động rút từ trong túi ra một gói giấy rồi bất ngờ nhét ngay vào mồm vị giám đốc sở. Nhét xong, mặt chị ta vẫn lạnh tanh, không nói thêm một lời.

Thật kinh hoảng! Đó là gói phân bắc được túm sơ sài. Lúc đó, nó đã nhoe nhoét dây ra hết cả người vị giám đốc nọ. 
Chị ta nhét nhanh quá và bất ngờ đến mức ông K. không kịp để né... "vật thể lạ". Có lẽ một phần hai tay ông giám đốc đang còn nắm ghi đông chiếc xe máy Simson dắt ra mà chưa nổ máy.

Thế là ông K. dù trong tình thế đầy khó xử cũng vẫn cố hô hoán lên khiến nhân viên trong cơ quan đổ vội tới xem chuyện gì vừa xảy ra với vị thủ trưởng mình.

Táp cả gói phân vào mặt ông K. xong, chị ta không hề chạy trốn mà vẫn đứng yên. Chị ta đang chờ mọi người phản ứng, bắt giữ mình.

Ngay sau đó nhân viên của ông K. nhanh chóng xúm vào ngăn chặn, khắc phục những gì vừa xảy ra. Người thì kéo ông vào sân cơ quan để xử lý thứ xú uế kinh khủng dính đầy trên mặt và quần áo. Người bảo vệ cơ quan thì lôi chị ta vào trong sân cơ quan như có ý hạn chế người qua đường vô tình nhìn thấy, rồi tiến hành lập biên bản.

Biên bản ngay sau đó được ghi lại sự việc. Thế nhưng lại có vẻ hơi tế nhị nên cách thể hiện chưa thật đúng sự việc. Theo đó, họ ghi những từ quá nhẹ nhàng, đại ý rằng chị ta đã có hành vi xúc phạm, ném đồ bẩn vào ông K., Giám đốc Sở Nhà đất ngay tại cổng trụ sở ở số nhà, phố, lúc...

Chị ta dứt khoát không chịu ký biên bản vì cho rằng "người lập biên bản đã ghi không đúng sự việc. Vì thế tôi không ký. Phải ghi là tôi nhét cứt vào mồm ông K. thì tôi mới ký".

Chi tiết này, chú tôi lúc kể cho nghe, cụ còn nhấn mạnh lời của chị ta "phải ghi rõ tôi nhét cứt vào mồm ông K", ông Ngôn nhớ lại.

Đã vậy, chị này còn chủ động đề nghị bảo vệ nên gọi điện, báo cho công an đến làm việc ngay.

Tòa án Nhân dân TP.Hải Phòng hồi đó đưa vụ này ra xét xử sơ thẩm, tuyên án chị ta 2 năm tù. Chị ta đã làm đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao.

Ông Hoàng Nam Hải kể với ông Ngôn rằng, khi nghiên cứu hồ sơ rồi xét xử phúc thẩm mới thấy rõ vụ này thật sự không đơn giản. Vì đâu nên nỗi khiến dân lành có hành động thiếu văn hóa đến như vậy? Đã vậy họ còn đòi ghi cho bằng được trong biên bản chi tiết vi phạm của mình… Ông Nam Hải đã trăn trở suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều...

Thế rồi, khi nữ phạm nhân được gặp vị chánh tòa phúc thẩm trong trại giam thì chị đã kể lại đầu đuôi, chi tiết hơn câu chuyện, cho ông nghe.

Nghe xong, ông Nam Hải quyết định quay về để tìm đến tận nơi ở của gia đình người bị kết án xem có chính xác, đúng như lời kể như trong đơn kháng án của chị ta không.

Thì ra, chuyện là vậy. Anh chị ấy từng có một gia đình nhỏ, có mẹ già cùng con nhỏ sống chung. Hai vợ chồng anh chị này vốn ở trong một căn nhà khang trang mặt phố lớn Lê Lợi, TP.Hải Phòng.

Bộ phận có trách nhiệm của Sở Nhà đất xuống đặt vấn đề với gia đình chị rằng theo yêu cầu của “trên”, khu này cần có 1 cơ sở để làm nhà trẻ mẫu giáo. Căn hộ nhà anh chị rất thuận lợi vì đẹp, lại có diện tích vừa vặn để làm chuyện đó. Họ vận động, đề nghị anh chị nhường lại nó cho hoạt động công ích. Sở Nhà đất sẽ bố trí cho gia đình chỗ khác...

Hai vợ chồng chị và cả nhà đã vui vẻ đồng ý ngay. Hồi đó, tinh thần xã hội chủ nghĩa trong mỗi cá nhân là vậy. Một khi chính quyền biết cách vận động dân thì tất cả họ đều rất sẵn sàng hy sinh. Chuyện như thế, nay thật khó ai tin nổi.

Chị chỉ nói với họ, đề nghị các anh tìm, bố trí cho một căn nhà, có thể không được bằng thế này thì cũng tương đối cho gia đình tôi đỡ thiệt thòi.

Họ hứa là sẽ bố trí theo đúng nguyện vọng trên.

Nhưng ít lâu sau thì họ lại nói với gia đình là Sở Nhà đất khó khăn quá trong khi nhu cầu mở lớp thì đã gấp rồi, cần kịp thời để chủ động vào năm học mới. Họ nói anh chị vui lòng về tạm một chỗ, có thể sẽ chưa hài lòng nhưng chúng tôi hứa cố gắng chậm nhất sau 6 tháng nữa sẽ bố trí nhà khác tương xứng cho gia đình. Căn nhà dự kiến ở tạm hiện nay thì chúng tôi cũng có biết. Nó không được tốt lắm, mong được thông cảm, chia sẻ trong lúc khó khăn, mong gia đình vui vẻ gánh vác chút.

Gia đình chị đồng ý dọn về nơi tạm. Ngay ban đầu, họ đã thấy hơi ngại do môi trường xung quanh có vấn đề thật sự. Rất nặng mùi xú uế.

Thế nhưng, khi đã ở được hơn 1 năm (quá 6 tháng như cam kết) thì bắt đầu trong nhà sinh việc, cụ già ốm, bệnh tật triền miên, nay đi viện, mai đi viện. Rồi con nhỏ ốm đã đành mà 2 vợ chồng anh chị cũng ốm nốt. Nghĩa là người nhà thay nhau ốm.

Nguyên do căn nhà ấy vốn dĩ ngày xưa là nhà thổ (chứa gái điếm). Hòa bình lập lại 1954, nhà nước xây dựng hàng loạt các căn hố xí thùng xung quanh nhà đó. Khi gia đình chị chuyển về, hố xí quây khắp cả 3 mặt căn nhà, 2 mặt đầu hồi và 1 mặt sau lưng. Tất cả đều là hố xí công cộng khiến chỗ này vô cùng hôi thối, ô nhiễm nặng.

Nếu ai từng ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng những năm từ 1975 trở về trước đều biết loại hố xí thùng. Nó vô cùng mất vệ sinh vì không phải thứ hố xí tự hoại phổ biến như hiện nay. Chúng được xây cao hẳn trên mặt đất, hầm chứa phân tươi bên dưới. Ngày ngày, vào ban đêm có người của công ty vệ sinh đến lấy phân tươi đem đi. Hố xí và cách lấy phân làm bốc mùi hôi thối, rơi rớt khắp nơi, khắp đường đi, rất kinh khủng. Tất nhiên, khi làm xong nhân viên vệ sinh cũng có quét dọn, nhưng mùi hôi thối phải vài giờ sau mới giảm bớt.

Gia đình chị cắn răng chịu đựng, nín nhịn đã quá 6 tháng nhưng vẫn không có người giải quyết. Họ phải gửi đơn kêu cứu, và...

Chờ mãi, chờ mãi, vèo cái đã 2 năm vẫn không ai giải quyết đơn của gia đình chị. Trong khi đó, cả nhà ốm đau hết lượt, người trẻ khỏe cũng không thoát bệnh.

Hễ họ kêu thì Sở Nhà đất lại khất lần, nói là chúng tôi khi làm việc này cũng có muốn thế đâu. Đây là chỉ thị của ông giám đốc sở. Chúng tôi cũng biết chỉ báo cáo lên giám đốc thôi...

Tức là bắt đầu có sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Chị ức quá nên quyết rằng "phải cho cha giám đốc K. biết liệu ông ta có sống được với mùi xú khí khắp quanh nhà như thế này không, mà lại bắt cả nhà tôi chịu đựng sống giữa đống phân như thế này suốt 2 năm. Do đó tôi mới nghĩ đến chuyện nhét cứt vào mồm ông K..."- ngồi cùng bị can trong trại giam, ông Nam Hải tìm hiểu, nghe chị ấy trình bày sự thực và nguyên nhân mà đau lòng.

Chị kể cũng đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo sở đến nhà chị đang ở để biết thực trạng nhưng không một ai chịu đến. Họ né hết!

Đúng như lời chị ấy nói. Thẩm phán Hoàng Nam Hải đã trực tiếp đến tận nơi tìm hiểu thì thấy xung quanh nhà bẩn quá, hôi hám quá sức chịu đựng. Thế mới càng thấu hiểu và cảm thông người dân. Một khi dồn người ta vào chân tường, người ta mới hành động như thế. Do đó, xét cho đến cùng thì tội lỗi ấy đâu phải hoàn toàn do người dân, mà còn do bộ máy chính quyền, cán bộ các cấp quan liêu, vô cảm, làm sai lời hứa, đẩy con người vào chân tường, vào hành vi phạm tội.

Hôm đó, tại phiên tòa xử phúc thẩm, chủ tọa Hoàng Nam Hải đã tuyên hủy án đã phạt đối với bị cáo mà chỉ xử phạt hành chính. Đây chỉ là hình thức cảnh cáo trước tòa và chị được trả lại tự do ngay tại tòa.

“Thực ra, lãnh đạo TP.Hải Phòng khi ấy cũng rất khó chấp nhận quan điểm và đường lối xét xử của thẩm phán tòa phúc thẩm Hoàng Nam Hải”, ông Trần Đình Ngôn nhớ lại sự việc và cho biết thêm.

Ông Ngôn kể thêm, ngay trong cuộc họp với các cơ quan tố tụng của địa phương, thẩm phán Hoàng Nam Hải có nhận xét, ngay ông K. cũng chỉ là nạn nhân của… cấp dưới trong vụ việc đáng buồn này. Họ, nhân viên của ông K., lấy cái quyền của mình để hành dân và vô cảm trước dân khi đã hứa mà không làm theo đúng cam kết. Xong việc là phủi tay, vô trách nhiệm với dân. Điều này, rất cần phải chấn chỉnh.

***
Tôi muốn kể lại câu chuyện này là để nói rằng, làm công tác xét xử mà vô cảm, thiếu tình người và quá máy móc thì thật đáng buồn, sẽ khiến cho người dân thấy công lý sao xa vời đến vậy! Tôi tin rằng sự việc được xét xử ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An vừa rồi, nếu bị can kêu đến tòa phúc thẩm, và có những thẩm phán như ông Hoàng Nam Hải, mọi chuyện sẽ được xem xét có lý có tình hơn.

Nếu công lý chỉ là từ ngữ suông thì cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa, như một nhà hiền triết phương Tây từng nói.