Từ vụ chìm cano ở Quảng Nam, cần siết chặt quy định du lịch đường thủy

 Tai nạn chìm ca nô thương tâm vừa xảy ra tại Quảng Nam gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tour tuyến du lịch đường thủy, cũng như loại cano mui kín đang được rất nhiều nơi sử dụng.

Sau tai nạn chìm ca nô thương tâm vừa xảy ra vào hôm 26/2 tại khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) khiến 15 người tử vong, 2 người còn mất tích, nhiều câu hỏi được dư luận, người dân đặt ra về độ an toàn của hoạt động vận tải và du lịch đường thủy các tuyến du lịch không chỉ ở Cù Lao Chàm - Hội An.

nlntv-cano-bi-nan-1-87659-1646116807.jpg
Chiếc cano bị nạn ngày 26/2 vừa qua.

Việt Nam có mạng lưới giao thông đường thủy nội địa liên thông giữa các tỉnh, thành phố và các vùng với hơn 42.000 km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải. Cả nước có hơn 27.000 km đường thủy đang được khai thác vận tải với hơn 45 tuyến chính, gồm hơn 7.100 km luồng đường quốc gia và hơn 20.500 luồng địa phương. Tính đến cuối tháng 2-2022, tổng số phương tiện vận tải thủy đăng ký hoạt động lên hơn 256.500 chiếc.

Du lịch đường thủy càng sôi động thì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn càng cao, trường hợp chìm cano ở Cửa Đại (Quảng Nam) hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác nếu những quy định, những thiết chế về du lịch đường thủy chưa được kiện toàn. Ở nước ta đường thủy phức tạp về địa hình và dòng chảy, trong lúc năng lực đơn vị vận tải, chất lượng phương tiện lẫn ý thức người tham gia giao thông đều chưa bảo đảm an toàn cần thiết.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng, sau hai năm du lịch “im ắng” vì dịch bệnh Covid-19, nay vừa mở cửa, du khách quay trở lại, du lịch biển đảo cũng bắt đầu vào mùa hút khách. Liệu các phương tiện sau thời gian dài “ngủ quên” do dịch bệnh có đảm bảo an toàn, có bị xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa rà soát kỹ? Liệu các đơn vị quản lý, doanh nghiệp kinh doanh, cơ quan chức năng có “lơ là”, chủ quan, chưa kiểm soát kỹ đã vội vàng cho đón khách lại hay không?,…”

Vụ lật canô ở bờ biển Cửa Đại vào chiều 26/2/2022 là hậu quả kéo dài của những bất cập lưu niên, cho dù lái tàu và tài công (còn sống sót) cam đoan rằng cano chở đúng số lượng khách và tất cả đều được trang bị áo phao. Theo thống kê, ở Hội An có khoảng hơn 130 phương tiện tham gia vận chuyển khách tuyến Hội An ra đảo Cù Lao Chàm thuộc diện phải chuyển đổi. Nhiều chủ phương tiện đã đầu tư hoán cải đóng mới hàng loạt tàu du lịch theo chuẩn SB (chuyển từ tàu vận tải đường sông sang tàu sông pha biển) để tham gia hoạt động vận chuyển khách du lịch tham quan từ Hội An - Cù Lao Chàm.

nlntv-loai-tau-2-90879-1646116919.jpg
Với loại tàu SB lớn hơn, có thể khai thác đến 40 khách.

Từ trước tới đây, tuyến đường thủy nội địa này chưa xảy ra sự cố tai nạn nào nghiêm trọng như vừa qua. Tuy nhiên cơ quan chức năng, cộng đồng cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo, lo ngại vì các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn nếu không có quy chế quản lý, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan trong công tác cấp phép xuất bến, xây dựng đội ứng cứu thường trực, công tác an ninh, đảm bảo an toàn cho hành khách, phòng ngừa các sự cố xảy ra. Không chỉ vụ lật canô trên biển Cửa Đại cũng là hồi chuông cảnh báo trong việc quản lý, cấp phép các phương tiện vận chuyển trên biển. TP Đà Nẵng từng trả giá đắt trong vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn khiến 3 người thiệt mạng vào năm 2016. Sau vụ việc này, Đà Nẵng siết chặt các hoạt động giao thông phục vụ khách bằng đường thủy; giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố là đơn vị giám sát cuối cùng và kiểm tra số lượng hành khách trước khi các tàu du lịch xuất bến, chủ trì công tác cứu hộ - cứu nạn khi có sự cố.

nlntv-3-98076-1646117443.jpg
Loại cano SB cỡ lớn này nhưng được đóng kín bằng mái kiên cố và kính che xung quanh, chỉ có một lối ra vào phía trước.

Và cano bị chìm là loại cano du lịch đang được nhiều nơi sử dụng, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là vì sao việc cứu hộ khó khăn? Trước năm 2018 Hội An khai thác khách ra vào đảo Cù Lao Chàm bằng ca nô loại nhỏ khoảng 15 chỗ ngồi. Đặc điểm của loại ca nô nhỏ này là mui trần, không đóng kín, chỉ có mái che. Do đó mặc dù khách ngồi trên ca nô loại này có thể bị nước biển tạt, hứng gió mưa nhưng khi xảy ra tai nạn đắm, lật thì hầu hết hành khách đều thoát được ra ngoài và nổi lên bằng áo phao, dễ tiếp cận cấp cứu. 

nlntv-hoi-an-4-1646117172.jpg
Hội An hiện có khoảng 40 doanh nghiệp khai thác 120 canô du lịch loại mới này.

Nhưng từ năm 2018 tới nay, cơ quan chức năng yêu cầu tàu du lịch khai thác khách ra vào Cù Lao Chàm phải là cấp tàu SB lớn hơn, có thể khai thác đến 40 khách. Đặc điểm của loại tàu này là được đóng kín bằng mái kiên cố và kính che xung quanh, chỉ có một lối ra vào phía trước. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến vụ chìm canô trên biển Cửa Đại có nhiều người chết, dù tất cả đều mặc áo phao. Hội An hiện có khoảng 40 doanh nghiệp khai thác 120 canô du lịch loại mới này. Chính quyền TP Hội An sẽ kiến nghị có giải pháp thay đổi thiết kế nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.

nlntv-hoi-an-5-1646117250.jpg
Hội An hiện có khoảng 40 doanh nghiệp khai thác 120 canô du lịch loại mới này.

Vụ chìm canô làm 17 người tử vong và mất tích trên biển Cửa Đại là hồi chuông cảnh báo trước tình trạng nhiều địa phương cấp phép cho tàu, thuyền chạy với tốc độ "siêu tốc" trên biển. Các cấp, ngành liên quan tổng rà soát tất cả phương tiện canô, tàu du lịch, luồng lạch… để tránh lặp lại sự cố tương tự, nhất là đang bắt đầu vào mùa du lịch.