Từ tháng 7/2022: Chính thức có hiệu lực hàng loạt chính sách pháp luật mới

Hàng loạt chính sách pháp luật mới sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 7/2022: như tăng lương tối thiểu vùng, cấp hộ chiếu gắn chip...

Trong tháng 7/2022 sẽ chính thức có hiệu lực những chính sách pháp luật mới sau đây:

Chính sách về lương tối thiểu: cao nhất 4,68 triệu đồng/tháng

Từ ngày 1/7, Nghị định 38/2022 của Chính phủ có hiệu lực điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, mức tăng bình quân 6%. Đây là mức tiền lương thấp nhất làm cơ sở để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới như sau: Vùng I tăng từ 4,42 lên 4,68 triệu đồng/tháng; vùng II tăng từ 3,92 lên 4,16 triệu; vùng III tăng từ 3,43 lên 3,64 triệu và vùng IV tăng từ 3,07 lên 3,25 triệu.

Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Nghị định 38 bổ sung quy định về lương tối thiểu vùng theo giờ. Cụ thể vùng từ I-IV có mức lương tối thiểu lần lượt mỗi giờ là 22.500 đồng; 20.000 đồng; 17.500 đồng và 15.600 đồng. Đối với người lao động được trả lương theo tuần, ngày, theo sản phẩm hoặc lương khoán, nghị quyết quy định mức lương sẽ được quy đổi, không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

nlntv-zwlj-zfmq-1656644240.jpg

Ảnh minh họa Internet

 

Chính sách cấp hộ chiếu phổ thông gắn chip

Bộ Công an bắt đầu cấp hộ chiếu mẫu mới từ 1/7, theo thông tư số 73 về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành. Trang bìa của hộ chiếu in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu. Hộ chiếu gắn chip được in thêm biểu tượng chip điện tử, gắn trong bìa sau.

Thông tư quy định hộ chiếu ngoại giao có trang bìa màu nâu đỏ; hộ chiếu công vụ trang bìa màu xanh lá cây đậm; còn trang bìa của hộ chiếu phổ thông có màu xanh tím. Người có nhu cầu cấp hộ chiếu phổ thông hoặc loại gắn chip có thể đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để giải quyết.

Khi người dân đi làm thủ tục cần chuẩn bị ảnh chân dung, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và giấy tờ chứng minh thường trú, tạm trú. Lệ phí cấp mới hộ chiếu là 200.000 đồng; còn cấp lại hộ chiếu do hư hỏng hoặc mất là 400.000 đồng.

Hộ chiếu, giấy thông hành đã được cấp trước ngày 1/1/2022 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn. Công dân từ đủ 14 tuổi có quyền được làm hộ chiếu phổ thông hoặc hộ chiếu gắn chip điện tử. Hộ chiếu có giá trị sử dụng trong 10 năm.

Chính sách tăng mức phạt vi phạm về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Nghị định 37/2022 của Chính phủ có hiệu lực từ 22/7, sửa đổi Nghị định 120/2013 quy định điểm mới về mức phạt khi vi phạm trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Nghị định nêu rõ phạt tiền 10-12 triệu đồng nếu công dân không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng. Mức phạt cũ là 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng.

Ngoài ra, nghị định tăng mức phạt từ 2-4 triệu đồng lên 15-20 triệu cho các hành vi: Gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền 12-15 triệu đồng.

Chính sách giảm điểm ưu tiên khi điểm thi đại học cao

Quy chế tuyển sinh đại học mới ban hành kèm Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 22/7, quy định giảm điểm ưu tiên cho các thí sinh có tổng điểm thi trên 22,5 điểm.

Từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ được được xác định điểm ưu tiên theo công thức:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên

Ví dụ, thí sinh đạt 24 điểm thì điểm ưu tiên còn 4 (tối đa được 5 điểm); thí sinh đạt 27 điểm thì mức điểm ưu tiên là 2 và đạt 30 điểm thì không được cộng điểm ưu tiên. Như vậy, nếu tính điểm ưu tiên theo quy chế thi mới, thí sinh có tổng điểm càng cao thì càng được cộng ít điểm ưu tiên hơn.

Ngoài ra, quy chế thi mới còn giới hạn thời gian hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên khu vực từ năm 2023. Thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và thêm một năm kế tiếp. Thí sinh thi lại sau 2 năm tốt nghiệp trung học phổ thông không còn được cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học.

Chính sách bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử

Ngày 17/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn và chứng từ. Đây là văn bản quy phạm pháp luật mới nhất quy định về hóa đơn điện tử.

Chính sách Nghị định và Thông tư đã quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử như sau:

Trước ngày 11/7/2022, chỉ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP), đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (khoản 1, Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC).

Từ 1/7/2022, bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán...

Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt nêu trên, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Thực tế, việc áp dụng hóa đơn điện tử đã được triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước từ tháng 4/2022 nhưng do thời gian áp dụng chưa lâu nên trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc.

Điều chỉnh lại 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thời gian thực hiện từ 1/1-30/6/2022.

Thông tư này đã tiếp tục bổ sung thêm 03 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm, đồng thời gia hạn thời gian được giảm mức thu của 34 khoản phí khác, nâng tổng số khoản phí, lệ phí được giảm từ 34 lên 37.

Điển hình có thể kể đến các khoản sau: Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, lệ phí cấp hộ chiếu, phí sử dụng đường bộ, phí cấp giấy đăng kiểm...

Các khoản lệ phí này được giảm từ 10-50% so với quy trước đó, áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.

Sang đến ngày 1/7/2022, 37 khoản phí, lệ phí này sẽ trở lại mức thu theo quy định trước đó.

Huyền Anh(TH)