Tự hào giai điệu Tổ quốc

Huyền Văn
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 28 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước hội tụ về Vĩnh Phúc để thi tài Hội diễn nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng năm 2023. Những tiết mục, chương trình nghệ thuật của các đoàn được dàn dựng sáng tạo, công phu để lại ấn tượng cho khán giả qua những giai điệu, lời ca về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Lan tỏa niềm tự hào, tri ân

Mặc trên mình bộ trang phục biểu diễn được cách tân từ bộ quân phục màu xanh của người lính, em Đức Anh, 13 tuổi, học lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) dẫn dắt người xem vào tiếng sáo trúc vui tươi, rộn ràng mang ý nghĩa tự hào, sục sôi của tác phẩm “Anh vẫn hành quân” (sáng tác của nhạc sĩ Huy Du, viết năm 1964, phỏng thơ Trần Hữu Thung). Tiếng sáo của “nghệ sĩ nhí” đã cuốn hút đông đảo khán giả phía dưới sân khấu hòa giọng hát, cùng những cánh tay giơ cao đu đưa theo điệu nhạc.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa, Trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa tham gia hội diễn, cho biết, Đức Anh là diễn viên nhỏ tuổi nhất của Đoàn và hội diễn lần này, là hạt nhân văn nghệ được Đoàn mới phát hiện sau cuộc thi tài năng nghệ thuật của ngành giáo dục tỉnh. “Đức Anh sinh ra trong gia đình không ai làm nghệ thuật, nhưng rất thích ca hát và thích chơi các nhạc cụ dân tộc. Khi chúng tôi phát hiện được Đức Anh đã mời nghệ sĩ sáo của Đoàn chèo Thanh Hóa hướng dẫn. Trong lần đi hội diễn này, dù vừa phải lo ôn thi học kỳ 2, vừa tập luyện nhưng Đức Anh rất cố gắng, trừ lúc ăn, ngủ, còn lại thời gian là cầm sáo để tập luyện”, bà Mai Hương kể.

qdnd-tphcm-trang-1a1-1682815321.jpg
Tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tại hội diễn.

Đức Anh rất vui mừng khi kết thúc hội diễn được Ban tổ chức trao giải thưởng Tài năng. Đức Anh chia sẻ: “Cháu rất thích những bài hát cách mạng, mỗi khi cháu hát hay thổi sáo đều cảm nhận được sự hào hùng, lạc quan, vui tươi trong mỗi tác phẩm. Đến hội diễn, cháu học hỏi được nhiều từ các cô, chú, anh, chị. Cháu sẽ cố gắng học và tập luyện nhiều hơn nữa để các lần diễn sau thổi sáo hay hơn”.

chan-trang-2-1682815365.jpg
Tiết mục độc tấu sáo “Anh vẫn hành quân” của Đức Anh tại hội diễn.

Xây dựng chương trình với chủ đề “Miền Trung-tường thành Tổ quốc”, gồm 5 tiết mục: Hát múa “Chào sông Mã anh hùng”, “Cây lúa Hàm Rồng”, “Miền Trung-tường thành Tổ quốc”, múa “Ký ức Vĩ tuyến 17”, độc tấu sáo “Anh vẫn hành quân”, Đoàn nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái thành công lớn giành 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và giải Tài năng.

Trong hội diễn lần này, đoàn nghệ thuật quần chúng của các tỉnh, thành phố khác cũng dàn dựng chương trình công phu, đặc sắc, như Đoàn nghệ thuật Hải Phòng với Chương trình “Hải Phòng làm theo lời Bác”; điểm nhấn là tác phẩm múa “Lửa Cát Bi” làm nổi bật lên hình ảnh Hải Phòng trong những ngày tháng rực lửa đầy gian khổ nhưng vẫn quyết tâm xây dựng thành phố, vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, phát huy lợi thế của thành phố cảng biển, đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng, luôn xứng đáng với sự quan tâm, chỉ đạo của Bác dành cho. Với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca”, các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam mang đến những tác phẩm ca ngợi, tự hào về truyền thống đấu tranh, tinh thần cách mạng kiên cường của quân dân Quảng Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước; khát vọng cống hiến của nhân dân Quảng Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập.

Diện mạo mới cho ca khúc cách mạng

Hội diễn nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng năm 2023, do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. 28 đoàn nghệ thuật quần chúng trong cả nước tham gia hội diễn với 3 hình thức: Ca, múa, nhạc với chủ đề “Tự hào giai điệu Tổ quốc”.

chan-trang-1-1682815394.jpg
Tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật tỉnh Hải Dương tại hội diễn.

Khán giả đã được thưởng thức nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc do các đơn vị đầu tư dàn dựng công phu. Mỗi chương trình đều mang đậm đặc trưng văn hóa địa phương, vùng miền, tạo sự lan tỏa về niềm tự hào, sự tri ân và khát vọng hòa bình dân tộc. Những lời ca, tiếng hát, những giai điệu đi cùng năm tháng đã cất lên từ trái tim đầy nhiệt huyết, qua đó góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần hăng say lao động. Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị tham gia, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh: “Để những ca khúc cách mạng đến gần hơn với công chúng hôm nay, các nghệ sĩ cần không ngừng đổi mới, tìm tòi, sáng tạo trong dàn dựng, biểu diễn nhằm khơi gợi những giá trị tinh thần trong ca khúc cách mạng, tạo sức thu hút trong lòng người hâm mộ”.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban giám khảo hội diễn đánh giá: “Các đoàn đã tìm tòi, sáng tạo trong cách xây dựng và trình diễn những tác phẩm nghệ thuật đi cùng năm tháng với thái độ nghiêm túc, đề cao tính chuyên nghiệp, đa dạng về phong cách biểu diễn, tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn khán giả. Từ đó, mang lại diện mạo mới cho những tác phẩm nghệ thuật kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và nghệ thuật nói chung. Nhiều tiết mục, chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem. Nhiều chương trình được xây dựng kết cấu chặt chẽ về tính tư tưởng nhân văn, tính nghệ thuật và tính đại chúng, được Hội đồng đánh giá cao, tiêu biểu như các đoàn: Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, An Giang, Nghệ An, Lào Cai, Sóc Trăng”.

Bên cạnh những tác phẩm đi cùng năm tháng, Hội đồng giám khảo cũng đánh giá cao hội diễn đã có thêm nhiều tác phẩm mới sáng tác về đề tài Bác Hồ, về đất nước đổi mới hôm nay. “Qua hội diễn, một lần nữa chúng ta thấy được những tác phẩm của nghệ thuật cách mạng vẫn luôn có giá trị lâu dài, đồng hành với lịch sử dân tộc, vừa là động lực, vừa là cảm xúc nghệ thuật sâu sắc, tự hào khi những giai điệu còn mãi vang lên”, nhạc sĩ Ngọc Khôi bày tỏ.