Tự gột rửa để Đảng xứng tầm đạo đức, văn minh

Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, phải tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc lại yêu cầu trên tại hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hồi đầu tháng 12/2021. Đó là cách để cán bộ, đảng viên tự gột rửa mình, làm cho Đảng ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là Đảng của đạo đức, văn minh.

nlntv-tu-got-rua-de-dang-xung-tam-dao-duc-van-minh-1643848763.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 9/12/2021. Ảnh: TTXVN

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là phương châm xây dựng và phát triển của Đảng. Người nói: Tự phê bình, phê bình như “đánh răng, rửa mặt” hằng ngày. Công việc ấy đòi hỏi mỗi đảng viên phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Kế tục, phát huy giá trị di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 90 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Đảng càng khẳng định sức mạnh và uy tín của mình bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. 

Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta.

Có được điều ấy là vì ngay từ đầu, Đảng luôn lấy công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, gắn liền với chấn chỉnh, củng cố tổ chức; đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức phẩm chất; sẵn sàng loại ra khỏi đội ngũ những đảng viên hư hỏng, phai nhạt lý tưởng, phản bội lại lời thề trung thành với lợi ích của Tổ quốc, nhân dân, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Nhìn lại nhiệm kỳ 12, hơn 87.000 đảng viên trong cả nước bị thi hành kỷ luật, tăng 18% so với nhiệm kỳ 11. Trong đó, riêng cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật đã tăng gấp 10 lần so với nhiệm kỳ trước, gồm 113 đảng viên là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương, cả đương nhiệm và đã nghỉ, hơn 30 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Nhưng con số ấy vẫn chưa dừng lại. Các tổ chức đảng và đảng viên sai phạm từ nhiệm kỳ này tiếp tục bị đưa ra "ánh sáng" kể từ sau Đại hội Đảng 13, liên quan đến các bộ, ngành, địa phương như: UBND TP Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật và đề nghị kỷ luật nhiều đảng viên sai phạm như Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Thị Kim Tiến, Trần Văn Nam, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến, Lê Bạch Hồng, Lê Tấn Hùng, Tề Trí Dũng, Trương Quốc Cường…  và gần đây là những cán bộ liên quan đến hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc chữa bệnh ở Bộ Y tế và các bệnh viện lớn mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận hôm 27/1. 

Đặc biệt là những lùm xùm xung quanh đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nâng khống giá bán kit xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á để trục lợi cá nhân… cho thấy công tác đấu tranh với tình trạng tham nhũng để làm trong sạch nội bộ đã được Đảng tiến hành rất quyết liệt với hàng loạt cái tên cán bộ lãnh đạo bị réo gọi. 

Những phiên toà xử cựu quan chức vẫn cứ diễn ra ngay những ngày giáp Tết. Đã không còn những giọt nước mắt xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân nữa. Ai dám làm thì dám chịu trách nhiệm. Nhân dân đâu cần những lời xin lỗi. Nhân dân chỉ mong, những “tấm gương” tày liếp đó là bài học cảnh tỉnh cho những ai có ý định “nhúng chàm”. 

Những sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là những vị lãnh đạo cao cấp, là cả quá trình sa sút về phẩm chất, phai nhạt lý tưởng, xa rời mục tiêu phấn đấu. 

Trong quá trình đó, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản vẫn là vì công tác tự phê bình và phê bình tại các tổ chức cơ sở đảng - nơi những cán bộ này sinh hoạt, chắc chắn đã lơ là, nể nang, né tránh; thấy sai không góp ý, không cương quyết ngăn chặn; không dùng sức mạnh đấu tranh nội bộ để giáo dục lẫn nhau.

Hậu quả là những sai phạm nhỏ không được uốn nắn, sửa chữa kịp thời, tích tụ dần thành sai phạm lớn, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Đó là điều không ai mong muốn. Đảng không mong muốn, nhân dân lại càng không! Nhân dân chỉ mong cán bộ đảng viên sống và làm việc sao cho xứng đáng với lòng tin yêu, kỳ vọng của họ, như họ đã từng kỳ vọng, tin tưởng về một Đảng tiên phong suốt hơn 90 năm qua.    

Kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, chúng ta tự hào khi Đảng thêm một tuổi là thêm hơn nữa sự dạn dày kinh nghiệm, sự vững vàng ý chí để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cầm lái con thuyền cách mạng trên con đường đi tới, hoàn thành trách nhiệm nặng nề đưa đất nước trở thành một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường; dân tộc Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thực tiễn đất nước đang đặt ra yêu cầu về tinh thần chủ động, trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng phải nêu cao hơn nữa tinh thần tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình

nlntv-tu-got-rua-de-dang-xung-tam-dao-duc-van-minh-1643848840.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị ngày 9/12/2021. Ảnh: TTXVN

“Tránh làm hình thức, qua loa, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để 'đấu đá', với những động cơ không trong sáng. Việc bé xé to. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác.

Công khai, minh bạch tự phê bình và phê bình của cấp ủy đảng là yêu cầu quan trọng, nhưng giải pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế phải kiên quyết, nói đi đôi với làm”- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định như vậy.

Tự phê bình và phê bình là quá trình đấu tranh với chính mình và đồng chí mình. Khi những vụ việc tiêu cực đang làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng thì mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi, tự sửa, tự gột rửa mình để mình ngày càng tốt lên; để Đảng ngày càng mạnh lên, xứng đáng là Đảng của đạo đức, văn minh.