Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giúp sinh viên tiếp cận thị trường lao động theo phương pháp châu Âu

Hội thảo và sự kiện truyền thông "Tiếp cận thị trường lao động theo phương pháp châu Âu" do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 11/1 đã góp phần cho sinh viên có cái nhìn đầy đủ, cụ thể và có hướng tiếp cận chính xác vào thị trường lao động trong và ngoài nước.
base64-16735129867491998964827-1673579175.png
Hội thảo đem lại những thông tin hữu ích cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các bạn sinh viên nhằm thích ứng với thị trường lao động trong bối cảnh mới quốc tế hóa - Ảnh: VGP/ Phương Dung

Bên cạnh đó hội thảo cũng giúp những nhà quản lý giáo dục, các giảng viên tìm ra phương pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu quốc tế mới hiện nay.

Trong khuôn khổ của hội thảo đã diễn ra chương trình tọa đàm "Từ nhà trường đến doanh nghiệp - Tầm quan trọng của khảo sát thị trường lao động" nhằm giải đáp một số điểm thắc mắc của doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên về ý nghĩa và kết quả thực hiện dự án.

Cụ thể, buổi tọa đàm xoay quanh nội dung các chuyên đề khảo sát thị trường thực phẩm nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), khảo sát thị trường thực phẩm nông nghiệp (Trường ĐH Hà Nội và ĐH Thái Nguyên), khảo sát thị trường ICT (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội).

Các diễn giả và các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng thảo luận, giải quyết các thắc mắc về phương thức thực hiện khảo sát thị trường lao động tại châu Âu; giải pháp giúp nhà trường cải tiến chất lượng đào tạo và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành mà doanh nghiệp đang cần và tương lai sẽ cần; kết quả khảo sát thị trường lao động theo phương pháp châu Âu được các trường áp dụng thế nào vào trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; những khó khăn và thuận lợi vướng phải khi làm dự án; đổi mới phương pháp giảng dạy, hoàn thiện chương trình đào tạo; yêu cầu chuẩn đầu ra, năng lực thích ứng của người lao động mới tốt nghiệp; gắn kết doanh nghiệp, định hướng nghề nghiệp từ góc nhìn của các trường ĐH…

Có thể thấy, trước sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội tại các quốc gia, vai trò và vị trí của giáo dục ĐH nói chung và các trường ĐH nói riêng ngày càng trở nên quan trọng.

Các trường ĐH không chỉ có vai trò chủ chốt trong lĩnh vực đào tạo nhân lực trình độ cao mà cần phải chủ động, đón đầu những xu thế đổi mới, kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong các lĩnh vực đào tạo, để từ đó có được những định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đảm bảo sự thích ứng của sinh viên tốt nghiệp với môi trường làm việc thực tế.

base64-167351302554214157180-1673579175.png
TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Phương Dung

Phát biểu tại chương trình, TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bày tỏ niềm tin: "Tôi tin tưởng rằng sau buổi hội thảo và sự kiện truyền thông ngày hôm nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng như các trường ĐH thành viên sẽ tiếp tục tận dụng kết quả của dự án, cũng như cập nhật, mở rộng lĩnh vực nghiên cứu khảo sát để hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu toàn diện không chỉ ở 3 lĩnh vực đang nghiên cứu khảo sát".

Là trường ĐH đào tạo theo định hướng ứng dụng, trong nhiều năm qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã liên tục cập nhật chương trình đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội. 

Kết quả khảo sát của dự án LAB-MOVIE đã giúp nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thị trường lao động hiện nay, giúp doanh nghiệp không mất thời gian và chi phí bồi dưỡng thêm kỹ năng và kiến thức cho nhân sự mới tốt nghiệp, trở thành nền tảng hỗ trợ cho các em sinh viên và doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng cao.

Với những chia sẻ của tất cả các đại biểu tại hội thảo đã đem lại những thông tin hữu ích cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các bạn sinh viên có thể thay đổi nhận thức, rèn luyện bản thân và sẵn sàng thích ứng với thị trường lao động trong bối cảnh mới quốc tế hóa, hiện đại hóa đất nước.