11h45 ngày 11/10/2022 (22h45 cùng ngày theo giờ Việt Nam), tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 77 tại New York (Mỹ), Việt Nam trúng cử, trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, với số phiếu 145/193. Dù đã chuẩn bị kỹ sau 2 năm vận động, đoàn đại biểu Việt Nam tại LHQ vẫn không khỏi bất ngờ khi lần thứ 2 được ủng hộ với số phiếu lớn.
Đại sứ Trương Triều Dương, người đã từng có hai nhiệm kỳ công tác tại Phái đoàn Thường trực CHXHCN Việt Nam tại Liên hợp quốc ở cả New York (1982 – 1986) và sau đó là Geneva (2001 – 2004), đã có những nhận định với VTC News về vấn đề này.
Theo Đại sứ Trương Triều Dương, khi Việt Nam tham gia LHQ năm 1977, và khi ông được cử sang phái đoàn Việt Nam tại LHQ cuối năm 1982 đầu năm 1983, đó là thời kỳ Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh cao, nên nhìn chung, đấu tranh về vấn đề nhân quyền là một trong những chủ đề nóng, “là đấu tranh giữa phe XHCN và phía còn lại, mà đã là như vậy thì bên A nói phải thì bên B sẽ nói là trái và ngược lại. Đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, là cuộc đấu tranh để bác bỏ và phủ nhận lẫn nhau”.
Những khó khăn với Việt Nam trong thời kỳ này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có tác động của Chiến tranh Lạnh, cạnh tranh địa chính trị, bao vây cấm vận, cũng như sự kích động thù địch từ bên ngoài. Trong giai đoạn đó, nhiều nước chỉ nhìn Việt Nam như một quốc gia mới qua khỏi chiến tranh tàn khốc, đang còn sống trong thời kinh tế bao cấp mà không thấy được một Việt Nam đang trên đà hồi sinh và phát triển, người dân đã bắt đầu cuộc sống mới trong độc lập tự do, phấn đấu cho sự phát triển phồn vinh của cả đất nước. Vấn đề nhân quyền là chủ đề mà những thế lực thù địch sử dụng để chống phá ta.
Khi Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền, mọi chuyện đã rất khác
Từ khi Việt Nam bắt đầu tiến trình hội nhập, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, WTO và hàng loạt các thể chế khu vực khác… đó đều là những cột mốc rất lớn, đánh dấu bước đường hội nhập và đi lên của Việt Nam. Một khi bắt đầu hội nhập, ta cũng theo “luật chơi chung” của thế giới, phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực khác nhau với các nước và tham gia giải quyết các vấn đề lớn của thế giới thông qua các tổ chức, cơ chế quốc tế như LHQ, WTO, APEC, ASEM, ASEAN...
Về các vấn đề liên quan tới nhân quyền trong các thỏa thuận kinh tế, thương mại thế hệ mới: Về cơ bản, nước ta không có nhiều quan điểm khác biệt trong vấn đề nhân quyền nên không gặp nhiều khó khăn khi tiến hành đàm phán các thỏa thuận thuộc dạng này. Khó khăn lớn nhất là có nhiều lĩnh vực mới trong các thỏa thuận, đặc biệt với các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn, có cả những quy định "ngoài kinh tế" hay "kinh tế chính trị" mà Việt Nam đã và đang tìm cách điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Với thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là việc thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế, giáo dục..., Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. “Vấn đề nhân quyền không còn là cái cớ để một số thế lực lợi dụng chống phá ta được”, Đại sứ nói.
Cái gì sai là bác bỏ ngay lập tức
Theo Đại sứ Trương Triều Dương, thời điểm Việt Nam tiếp tục nỗ lực ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023 - 2025, một số tổ chức phản động, thế lực thù địch vẫn tìm cách chống phá, đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, mang tính võ đoán hoặc thiếu cơ sở về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Trên mọi mặt trận ngoại giao đa phương, Việt Nam luôn nhất quán thể hiện sự minh bạch, khách quan và luôn bảo đảm việc xử lý các vấn đề liên quan tới nhân quyền phải theo đúng quy định của pháp luật. Khi có những quan điểm hoặc nhìn nhận sai trái hoặc lệch lạc về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, Việt Nam luôn phản bác một cách có tình có lý.
Đại sứ Trương Triều Dương kể, để thuyết phục một người bạn ngoại giao về những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, trong đó có cái gọi là đàn áp tôn giáo, ông từng nói với bạn mình: "Những điều ông được biết là không đúng, thực tế là như thế này này... Ví dụ bảo Việt Nam đàn áp tôn giáo. Trên thực tế Việt Nam có đủ các loại tôn giáo lớn đang tồn tại trên khắp hành tinh của chúng ta như Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo... Ông thích thì có thể lên Google xem Noel ở Việt Nam so với nhiều nước khác có khi còn đông vui, nhộn nhịp hơn. Thử đến những mosque (nhà thờ Hồi giáo) ở Việt Nam xem mọi người dân cầu nguyện thế nào. Còn đến chùa Phật giáo của chúng tôi vào ngày rằm, lễ, Tết, thì đông tới mức có khi các ông khó mà chen chân vào được”...
Tương tự, những quan điểm về vấn đề khác cũng được ta nhìn nhận thẳng thắn và “có gì sai là bác bỏ ngay lập tức”.
Theo Đại sứ Trương Triều Dương, là thành viên nhiệm kỳ 2014 - 2016 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã luôn thể hiện là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm; chủ động, tích cực và xây dựng; thúc đẩy các sáng kiến và tham gia nhiều hoạt động nòng cốt như nhóm về biến đổi khí hậu và quyền con người; là tác giả nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương; đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết tập trung vào quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế. Đó chính là một trong những lý do mà Việt Nam lại đắc cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025.