Ngày 8/9, tại TP Hồ Chí Minh, Giáo sư Samuel Vincent G. Yrastorza, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Tiết niệu ASEAN, cũng là Chủ tịch Hội nghị FAUA 2023 đã đánh cồng khai mạc Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023 (FAUA) với chủ đề “Kết nối - Đổi mới – Phát triển”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 14 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức, đây là năm thứ 2 Việt Nam được Liên đoàn Tiết niệu của 10 nước Đông Nam Á trao trọng trách tổ chức Hội nghị khoa học FAUA 2023.
Hội nghị được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Tâm Anh thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Liên đoàn Tiết niệu Đông Nam Á, Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam và Hội Tiết niệu Thận học TP Hồ Chí Minh.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, các nước trong khu vực ASEAN có nhiều điểm chung giống nhau về chủng tộc, tình hình kinh tế, địa lý tương đồng, từ đó tương đồng cả về cơ cấu bệnh về tiết niệu.
“Tại Việt Nam có từ 2 - 12% dân số bị sỏi đường tiết niệu, trong đó sỏi thận chiến 40%. Số liệu này đã xếp Việt Nam vào vị trí các nước thuộc “vành đai sỏi” trên thế giới”, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Việt Nam và các nước Đông Nam Á nằm trong “vành đai sỏi” của thế giới. Hội nghị khoa học FAUA 2023 là cơ hội quý giá để các chuyên gia, bác sĩ trong nước và khu vực, thế giới gặp gỡ để trao đổi, cập nhật những xu thế mới cũng như các tiến bộ y khoa, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tiết niệu cũng như thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, lãnh đạo của nhiều tổ chức y tế và chăm sóc sức khỏe trong khu vực.
PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam cho biết, trình độ của các bác sĩ Tiết niệu Việt Nam sánh cùng bạn bè thế giới nên mới được FAUA lựa chọn đăng cai tổ chức. Điều này từng bước cho thấy sự tiến bộ của Việt Nam ở lĩnh vực y khoa nói chung và tiết niệu nói riêng.
"Với khoảng 100 triệu dân, ngành tiết niệu Việt Nam trong tương lai còn phát triển mạnh hơn, thậm chí có thể vượt qua một số nước trong khu vực ở một số mặt bệnh, kỹ thuật điều trị. Thế nhưng, vấn đề trở ngại hiện nay của bác sĩ Việt Nam là việc giao tiếp bằng tiếng Anh không tốt bằng bác sĩ các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... Vì vậy, Hội nghị khoa học FAUA 2023 chỉ sử dụng tiếng Anh là cơ hội để các bác sĩ cọ xát và thấy được tầm quan trọng của hội nhập chuyên môn lẫn giao tiếp trao đổi”, PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh cho biết thêm.
Theo Ban tổ chức, Hội nghị khoa học FAUA 2023 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 7 - 9/9 với 500 đại biểu tham dự là các giáo sư, bác sĩ và nhân viên y tế trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực tiết niệu, thận học và các chuyên khoa sâu như phẫu thuật robot, phẫu thuật nội soi, tạo hình trong tiết niệu, nhiễm khuẩn niệu, ung thư đường tiết niệu, ghép thận, nam khoa, niệu nữ/niệu chức năng...
Hội nghị năm nay còn đặc biệt mở rộng về quy mô, không chỉ là các chuyên gia đến từ Liên đoàn Tiết niệu Đông Nam Á (Federation of ASEAN Urological Associations - FAUA), Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam (VUNA) và Hội Tiết niệu Thận học TP Hồ Chí Minh (HUNA) mà còn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Hiệp hội Tiết niệu châu Âu (EAU), Hiệp hội Tiết niệu Australia và New Zealand (USANZ), Trung tâm Y tế Asan Hàn Quốc, Nhóm Giảng dạy và Tập huấn phẫu thuật Tiết niệu châu Á (AUSTEG)...
Hội nghị sẽ có 22 chuyên gia nước ngoài tham dự với vai trò là chủ tọa, báo cáo viên đến từ các nước khu vực ASEAN, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ… Phía Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành đến từ các bệnh viện tên tuổi như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh… cũng tham gia nhiều báo cáo và thảo luận. Trong hội nghị có hơn 90 bài báo cáo về các chuyên đề khác nhau.
Chương trình trọng tâm của hội nghị năm 2023 là phần thực hiện kỹ thuật cao do các chuyên gia đầu ngành thực hiện, các ca mổ thị phạm được trình diễn ngay trong khuôn khổ hội nghị. Đây là một cơ hội lớn cho các bác sĩ tiết niệu Việt Nam được tiếp xúc với các báo cáo viên nước ngoài để cùng trao đổi kiến thức về bệnh học và phương pháp điều trị của các quốc gia lân cận, vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Ngoài lễ khai mạc, ca mổ thị phạm, phiên toàn thể, hội nghị còn có hơn 90 bài báo cáo của 9 chuyên đề khác gồm: Ung thư trong tiết niệu, sỏi, những kỹ thuật ít xâm lấn (nội soi và robot), nam khoa, ghép thận. Ngoài ra, có những chuyên đề rất thời sự gắn liền với đời sống y học, được nhiều người dân quan tâm như: tạo hình đường tiết niệu, niệu nữ/niệu chức năng và niệu động lực học, viêm bàng quang kẽ và hội chứng đau bàng quang.