Đây là lần thứ 2 họa sĩ c tham gia triển lãm tranh tại Đà Lạt. “Những bé gái Ballet” cùng 17 tác phẩm của riêng anh là sự kiện đầu tiên, cũng tại không gian trưng bày này. “Triển lãm đó đã khiến cho rất nhiều người quan tâm và thích thú. Khi tôi nói với những người “bạn vẽ” của mình về cảm xúc rất đặc biệt lúc “múa cọ” ở lưng chừng đồi, giữa mây ngàn và thông xanh, thấp thoáng những mảng tường, mái ngói hay những giàn hoa leo…, dường như ai nấy đều sẵn sàng cho cuộc hội ngộ đầy thi vị này. Và thế là chúng tôi đã có 10 ngày cùng nhau ở đây, cùng vẽ, cùng sáng tác, trên là mây, xung quanh là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Trong triển lãm, chúng tôi mang đến cho khán giả những tác phẩm tươi mới nhất, có thể còn chưa kịp khô màu…”, họa sĩ Lê Anh Quân hào hứng kể về duyên cớ khiến anh và nhóm những người họa sĩ yêu Đà Lạt gặp gỡ và cùng nhau sáng tác tại đây.
Nhóm họa sĩ đã chọn “Mây Đông Dương” là tên cho trại sáng tác, đồng thời là tên của triển lãm, vì đó chính là những gì cô đọng nhất họ cảm nhận thấy ở không gian này. Và "Mây" hay "Đông Dương" trong mỗi mắt nhìn của người họa sĩ đều mang đến những cảm nhận đặc biệt, không trộn lẫn. Bởi, cùng chung đam mê hội họa nhưng họ lại ở những lứa tuổi khác nhau: họa sĩ Lê Anh Quân (sinh năm 1977), họa sĩ Lưu Vũ Long (1976), họa sĩ Đào Lê Hương (1965), họa sĩ Đinh Thiên Tâm (1982), họa sĩ Đinh Khắc Công (1958).
Mỗi thế hệ - một góc nhìn và dòng cảm nhận với những sở trường khác biệt. Cá tính và phong cách không trộn lẫn chính là điều làm nên nét riêng của mỗi người họa sĩ. “Cùng một “bầu khí quyển”, nhưng tác phẩm lại đánh dấu chủ quyền phong cách không thể trộn lẫn của mỗi người. Đó chính là nét hay của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng” - Họa sĩ Đinh Thiên Tâm chia sẻ.
Trong khuôn viên căn biệt thự số 12 là nơi hoạ sĩ Lê Anh Quân như hoà mình vào thiên nhiên và dành trọn vẹn thời gian để hoàn thiện bức tranh “Mây”. Anh chia sẻ: “Các tác phẩm là xúc cảm xuyên suốt trong quá trình sáng tác, sự xuyên suốt ấy nó liền mạch luôn cả 5 bức vẽ. Lần này tôi đến Đà Lạt với xúc cảm khá đặc biệt. Những gam màu trên bức tranh là ý tưởng xuyên suốt của tôi về một Đà Lạt bồng bềnh trên mây và bình minh ở đây rất đẹp".
Nổi bật ấn tượng trong 25 tác phẩm của 5 hoạ sĩ là những bức vẽ của hoạ sĩ Lưu Vũ Long được anh tâm đắc đặt tên là “Vẽ giữa đại ngàn Langbiang” hay “Câu chuyện của rừng”. Đối với anh: “Đại ngàn thâm sâu mang trong mình bao sử thi hùng tráng. Lắng nghe những câu chuyện của đại ngàn, tôi thấy chỉ ghi chép thiên nhiên thôi là không đủ. Tôi cảm nhận, tôi hoà mình vào Langbiang để viết những câu chuyện của rừng.” Đây là những xúc cảm chân thật mà hoạ sĩ đã cảm nhận được trong những ngày làm việc tại trại sáng tác “Mây Đông Dương”.
Còn đối với họa sĩ Đinh Thiên Tâm, nguồn cảm hứng sáng tác của anh là sự rung động trước khung cảnh thiên nhiên, là những con dốc, tán cây và những ngôi nhà tưởng chừng chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải. Là nữ hoạ sĩ duy nhất tham gia trại sáng tác “Mây Đông Dương”, hoạ sĩ Đào Lê Hương lại mang tới triển lãm những tác phẩm theo trường phái nghệ thuật siêu thực.
Chủ điểm của mỗi bức họa có thể là một quần thể di tích kiến trúc nhìn từ góc rộng, cũng có thể là những tán cây, ngọn cỏ hoặc con đường, triền dốc, cũng có khi là những hình khối và mảng màu trừu tượng. Không ai “nhìn” giống ai, dù họ đang ở cùng một khoảnh khắc, không gian và thời gian.
Đà Lạt là thành phố sinh thái tiêu biểu mang dáng dấp Âu châu ở Đông Dương. Cùng với đó, khí hậu, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, văn hóa đặc trưng của xứ sương mù mang đến những trải nghiệm “xưa cũ”. Ở Đà Lạt, từng khung cảnh đều toát lên sự hoà quyện nhịp nhàng giữa vẻ đẹp hoài niệm của truyền thống Á Đông vừa mang đậm phong cách lãng mạn của phong cách Pháp.
Có lẽ với chấp niệm đó về Đà Lạt, dự án trại sáng tác lần này và “Mây Đông Dương” sẽ không chỉ là một buổi triển lãm tranh đơn thuần, mà còn là nơi để các họa sĩ thả hồn lang thang như đám mây “lãng du” đi tìm những khoảnh khắc sống động của thời gian ẩn chứa trong từng ngóc ngách, cảnh vật, hoa lá./.