Trầu cau là sản phẩm văn hóa kết nối tình cảm

Tục ăn trầu cau đã xuất hiện từ rất lâu. Có tài liệu ghi rằng, sự tích "Trầu cau" đã có từ thời Vua Hùng, gắn với đời sống của người dân. Trong các nghi lễ tâm linh, trầu cau là đồ lễ không thể thiếu. 
nlntv-anh-trau-cau-chua-dung-cau-chuyen-van-hoa-1675408726.jpg
Trầu cau chứa đựng câu chuyện văn hóa.

Trầu cau đã chuyển hóa thành một phương tiện giao tiếp trong xã hội, thay cho lời chào hỏi, thay cho cái bắt tay. Miếng trầu dần tiến hóa thành sản phẩm văn hóa. Đặc biệt, nó chiếm vị trí quan trọng trong các nghi lễ. Khi cúng bái phải có cơi trầu, quả cau đặt lên đĩa, dâng lên ban thờ một cách kính cẩn.. 

Chính vì miếng trầu gắn với đời sống tâm linh của người Việt nên cũng có nhiều điều kiêng kỵ. Trong đó, mọi người thường dùng tay xé quả, buồng cau chứ không dùng dao, kéo để cắt. Bởi vì, người dân quan niệm buồng cau như một thực thể sống nên phải được nâng niu, giữ sự trọn vẹn. 

nlntv-anh-anh-nguyen-huu-nghi-mang-trau-cau-di-le-1675408645.jpg
 Anh Nguyễn Hữu Nghị mang trầu cau đi lễ. 

Trong mỗi dịp đầu xuân, năm mới, anh Nguyễn Hữu Nghị, 40 tuổi, sống ở Hưng Yên đều sắp buồng cau, lá trầu lên mâm, điểm thêm hoa, quả cho thật đẹp rồi mới dâng lên Phật, Thánh. Anh Nghị cho rằng: "Trong nghi lễ hầu đồng, khóa lễ cúng sao giải hạn,... tại nơi thờ tự đều phải có trầu cau. Đó là đồ lễ kết nối tâm thành với bề trên. Trầu, cau để ăn bình thường thì tôi không sắp lên đĩa một cách cầu kỳ, nhưng khi đã dâng lên lễ thì phải sạch sẽ, đẹp đẽ".  

Miếng trầu gồm 4 thứ nguyên liệu: cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng) và vôi (vị nồng). Ngoài giá trị văn hóa, sách xưa còn ghi rằng ăn trầu làm thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm. 

nlntv-anh-trau-cau-xuat-hien-trong-nghi-le-hau-dong-1675408682.jpg
Trầu cau xuất hiện trong nghi lễ hầu đồng.

Cô đồng Phạm Thị Thiết, người dân ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên thường gọi là "Cô đồng họ Phạm" chia sẻ: " Tôi thường ăn trầu cau trong các nghi lễ hầu đồng. Tôi nghĩ là chất nào đó ở trong lá trầu có tác dụng đề kháng. Vôi trong miếng trầu cũng có tính khử trùng cũng khá cao. Cho nên có những cụ thường xuyên ăn trầu đã 80 -90 tuổi rồi nhưng răng vẫn rất chắc. Bản thân tôi là người có niềm tin tâm linh thì càng trân quý tục ăn trầu cau". 

nlntv-anh-co-dong-ho-pham-an-trau-trong-luc-hau-dong-1675408551.jpg
"Cô đồng họ Phạm" ăn trầu trong lúc hầu đồng.

Nhịp sống hiện đại nhanh, có nhiều thứ thu hút giới trẻ hơn nên tục ăn trầu cau không còn phổ biến nữa. Tuy nhiên, Chuyên gia văn hóa Bùi Quang Thanh, Nguyên Viện  trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: "Tôi không biết là sau này, người dân còn ăn trầu hay không? Nhưng không sao, miễn là  nó vẫn đọng lại trong tâm thức của mỗi người. Trong xã hội, trầu cau đã bám vào nghi lễ nên tính hiện tồn rất bền chặt ". 

nlntv-anh-chuyen-gia-van-hoa-bui-quang-thanh-chia-se-ve-tuc-an-trau-cau-1675408594.jpg
Chuyên gia văn hóa Bùi Quang Thanh chia sẻ về tục ăn trầu cau.

Văn hóa không bao giờ tĩnh mà luôn vận động, luôn có sự tiếp biến. Nhưng trải qua bao nhiêu năm, trầu cau vẫn tồn tại và trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Việt vì nó có ý nhĩa rất lớn trong văn hóa hóa của người Việt./. 

Mạnh Sáu