Ngày 20/2, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã tập trung chủ động triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, người nghèo. Dịp Tết Nguyên đán 2024, TP Hồ Chí Minh tăng mức chăm lo cho đối tượng chính sách và mở rộng chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần bảo đảm “không có hộ nghèo nào không được đón Tết cổ truyền của dân tộc”.
Tổng kinh phí chăm lo Tết Giáp Thìn là hơn 1.294 tỷ đồng (tăng 5,27% so với năm trước), được trích từ nguồn kinh phí ngân sách và nguồn xã hội hóa. Trong đó, kinh phí Trung ương hơn 12,7 tỷ đồng, kinh phí thành phố hơn 915,1 tỷ đồng; kinh phí quận, huyện và thành phố Thủ Đức hơn 39,6 tỷ đồng; kinh phí vận động hơn 326,7 tỷ đồng. Tính chung, TP Hồ Chí Minh đã chăm lo cho hơn 1,4 triệu lượt người (tăng 115.833 lượt người so với Tết Quý Mão 2023).
Điểm mới của công tác chăm lo Tết năm 2024 là Thành phố đã bổ sung trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy và trẻ có cha hoặc mẹ là đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Theo đó, có 501 trẻ trong các trường hợp trên được chăm lo với số tiền 576 triệu đồng (mức quà tặng 1,15 triệu đồng/suất). Ngoài ra, còn có trường hợp người cao tuổi không có lương hưu trí hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo khoản 1 điều 1 Nghị quyết số 35/2023/NQ-HĐND; thăm bí thư chi bộ khu phố tiêu biểu. Theo đó, có 2.588 người cao tuổi được chăm lo với số tiền 2,9 tỷ đồng; 120 bí thư chi bộ khu phố được chăm lo với số tiền 480 triệu đồng...
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức gặp mặt các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp về hưu; chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày; cán bộ cấp cơ sở; các sở, ban ngành thành phố; các tổ chức, đơn vị trực, thực hiện nhiệm vụ xuyên tết.
Công tác giám sát, chi trả trả lương, thưởng, trợ cấp, hỗ trợ trước và trong dịp Tết được thành phố quan tâm, theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh tổ chức thành công chương trình Xuân Quê hương năm 2024. Đây không chỉ là lễ hội của kiều bào mà còn là của nhân dân TP Hồ Chí Minh và cả nước, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, càng khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với kiều bào, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức chương trình bình ổn thị trường hiệu quả, không xuất hiện tình trạng thiếu hàng, sốt giá cục bộ, đáp ứng đủ nhu cầu người dân trong dịp Tết, không có hiện tượng dư thừa hay khan hiếm...
Liên quan đến tình hình lao động sau Tết 2024, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 19/2, qua khảo sát tại 3.247 doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trở lại khoảng 98%, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc là 97%. Dự kiến, tỷ lệ thiếu hụt lao động sau tết dưới 3%, tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính…
So với năm 2023, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết không có nhiều thay đổi, người lao động mong muốn ổn định việc làm, gắn bó với doanh nghiệp hơn trong năm nay. Mặt khác, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều dấu hiệu tích cực, một số doanh nghiệp tiếp nhận được các đơn hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 ngay thời điểm cuối năm 2023.